Trước đó, tối 6/5, sau khi cùng đoàn du lịch ăn tối tại một khách sạn Thái Lan, con trai và anh T. có dấu hiệu mệt, buồn nôn và tiêu chảy. Tại bệnh viện, con trai và anh T. đã lần lượt ra đi.
Ngay sau khi hai bố con anh T. mất, cảnh sát Thái Lan đã phong tỏa nhà hàng và khách sạn, đồng thời tiến hành khám nghiệm tử thi. Kết quả điều tra sẽ được công bố trong vòng 45 ngày tới.
Trong lúc đợi cơ quan chức năng đưa ra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất ngờ này, ngộ độc thực phẩm đang được xem là nguy cơ hàng đầu. Điều này khiến nhiều người lo lắng, bởi hiện nay là tháng cao điểm của mùa du lịch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao ăn cùng cả đoàn (có vợ và con trai lớn), chỉ có anh T. và con trai út gặp sự cố?
Trao đổi về những nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiến (khoa Nội, Viện Y học Hàng không) cho biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch là khá lớn. Trong đó, ngộ độc vi sinh (virus, vi khuẩn…) lớn hơn ngộ độc hóa chất.
Đặc biệt, nguy cơ bị ngộ độc phụ thuộc vào sức đề kháng của hệ tiêu hóa. Tức là cùng một món ăn, mỗi người có một phản ứng khác nhau. Những người dân bản địa hoặc từng ăn, cơ thể của họ đã được làm quen, do đó, những lần sau họ không gặp vấn đề gì.
Những người có hệ tiêu hóa yếu, hay chưa từng thử qua, khi ăn có thể gặp phải dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn. Đó là cơ thể phản ứng với những chất lạ đưa vào cơ thể, để báo cho chúng ta biết là cần dừng lại, cơ thể không tiếp nhận được. Thậm chí, nhiều trường hợp gặp phản ứng nguy hiểm ngay sau khi ăn.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương), nguyên nhân hay gặp nhất gây bệnh tiêu chảy ở người du lịch là loại vi trùng E.coli gây độc tố ruột.
Với người dân bản địa, vi khuẩn này hiếm khi gây bệnh vì họ tiếp xúc với chúng thường xuyên và đã có kháng thể hữu hiệu. Nhưng một du khách đến từ vùng khác có thể dễ dàng mắc chứng bệnh này.
Bác sĩ Cấp cho hay nhiều căn bệnh tiêu chảy cũng lây lan qua thức ăn và nước uống, như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do Salmonella, độc tố tụ cầu. Những bệnh này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
“Khi họ có bất kỳ triệu chứng nặng nào như sốt cao, mệt lả, đi ngoài hoặc nôn quá nhiều lần, đau quặn bụng, đi ngoài phân có máu hoặc tiêu chảy kéo dài thì cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Không nên ăn gì khi đi du lịch?
Theo các chuyên gia, vấn đề ăn uống nên đặc biệt được lưu ý khi bạn đi du lịch. Bạn nên tìm hiểu kỹ các món ăn thông qua báo đài hoặc người dân địa phương để chắc chắn rằng mình an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, bạn cần hạn chế ăn các món ăn chưa chín như rau sống, salad, thịt tái bởi nguy cơ nhiễm vi sinh vật, kí sinh trùng nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Với những đặc sản của địa điểm du lịch như các món gỏi, tiết canh,… bác sĩ Hiến khuyến cáo tốt nhất không nên thử. Tương tự, thịt thú rừng, động vật hoang dã, cho dù muốn thử, bạn cũng nên cân nhắc.
Chuyên gia cũng cho hay, mặc dù hải sản rất ngon, nhưng cũng có thể là nguồn gốc của một số bệnh tật. Ngộ độc hải sản có thể gây ra các triệu chứng như bại liệt, thần kinh, nôn mửa, tiêu chảy. Do đó, bạn cần hạn chế ăn hàu, trai và sò tươi sống. Nếu dùng, bạn nên ăn các thực phẩm được nấu chín kỹ và còn nóng.
Lưu ý, khách du lịch không nên ăn lẫn lộn nhiều loại thực phẩm. Bác sĩ Hiến phân tích, chất lạ tạo thành từ việc ăn hỗn tạp nhiều loại thực phẩm có thể gây hệ quả xấu cho đường tiêu hóa như đầy bụng, sinh hơi, đau bụng… Đó là chưa kể đến những cách kết hợp thực phẩm với nhau có thể tạo thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn cần đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không mạo hiểm với các thực phẩm mới lạ. Với những món ăn lần đầu, bạn nên thăm dò để thử phản ứng của cơ thể.