Hà Nội

Không muốn thoát nghèo vì ỷ vào... chính sách

26-03-2013 16:17 | Xã hội
google news

Trong những năm qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo cho người dân được quan tâm, triển khai sâu rộng, làm cho đời sống của người nghèo được nâng lên rõ rệt, từ đó chuyển biến mọi mặt về đời sống kinh tế xã hội tại các địa phương.

Trong những năm qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo cho người dân được quan tâm, triển khai sâu rộng, làm cho đời sống của người nghèo được nâng lên rõ rệt, từ đó chuyển biến mọi mặt về đời sống kinh tế xã hội tại các địa phương. Các chương trình trọng tâm, trọng điểm được triển khai như: Chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình 167 về xây nhà cho người nghèo; hỗ trợ người nghèo trong khám chữa bệnh, học tập; các chế độ trợ cấp lượng thực, tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để tăng gia sản xuất... nhằm phát triển kinh tế của gia đình và làm giàu chính đáng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo. Bên cạnh những thành tựu quan trọng trong xóa đói giảm nghèo ở nước ta thời gian qua, đã phát sinh một số tiêu cực cần phải có biện pháp khắc phục, để các chính sách hỗ trợ người nghèo không bị lợi dụng, biến tướng, cũng như gánh nặng đối với ngân sách nhà nước.

Tình trạng một bộ phận người dân được xét hộ nghèo không chịu làm ăn mà trông chờ, ỷ lại vào các chính sách về người nghèo của nhà nước như không có nhà thì được nhà nước xây; thiếu lương thực thì được cấp, khám chữa bệnh không mất tiền, hỗ trợ tiền điện... do đó người dân không chịu làm ăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mà cứ muốn tiếp tục nghèo để nhà nước “nuôi”. Đây là một thực trạng có thật đã xuất hiện ở một số địa phương, đặc biệt là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Nếu như cứ để tình trạng này kéo dài thì tỷ lệ hộ nghèo năm sau sẽ cao hơn năm trước, gây gánh nặng cho nguồn ngân sách, đồng thời đời sống, kinh tế của một bộ phận hộ nghèo sẽ sa sút, ảnh hưởng đến quá trình phát triển địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Việc bình xét hộ nghèo và các chính sách hỗ trợ người nghèo cần phải có sự thay đổi về tiêu chí, thời gian được hưởng chính sách hộ nghèo, đặc biệt mục đích được hưởng chính sách hộ nghèo là để vươn lên thoát nghèo chứ không được hưởng liên tục như hiện nay. Nếu hộ nghèo nào không vươn lên thoát nghèo mà ỷ lại vào chính sách hộ nghèo của nhà nước thì cần phải được loại ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đồng thời, chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã cần tuyên truyền, vận động để người dân tăng gia sản xuất, không được lười lao động, vươn lên thoát nghèo, không được có hành vi lợi dụng chính sách hộ nghèo của nhà nước. Trong trường hợp nếu trong xã mà năm sau số hộ nghèo tăng lên so với năm trước thì trách nhiệm này thuộc về UBND cấp xã. Mặt khác, cần làm cho người dân hiểu rõ hộ nghèo là cái gì đó thấp kém hơn so với các hộ khác mà vươn lên từ sự quan tâm, giúp đỡ của nhà nước chứ không như quan niệm của một số hộ dân nghèo hiện nay: được xét hộ nghèo là “sướng”.

Thiết nghĩ, bản chất các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo là nhân văn, thể hiện bản chất ưu việt của nhà nước nhưng cùng với đó, người dân được hưởng chính sách cũng phải có ý thức vươn lên để thoát nghèo, tránh tình trạng như hiện nay: một số hộ dân khi được xét vào hộ nghèo để được hưởng chính sách của nhà nước nhưng lại không muốn thoát khỏi hộ nghèo, mặc dù, kinh tế đã khá giả hơn nhưng vẫn khăng khăng cho rằng hộ mình vẫn còn khó khăn hay có một số hộ nghèo thì không muốn lao động để hưởng chính sách hỗ trợ... Đây là những vấn đề cần có biện pháp khắc phục, chứ không phải khi đã được xét vào hộ nghèo thì không muốn ra.

Đỗ văn Nhân
(Kon Tum)

Ý kiến của bạn