Không chỉ có thế, nguồn nước thải từ bệnh viện lại còn tiếp tục được sử dụng nuôi cá, tưới rau, tạo thêm nguồn dinh dưỡng cho cán bộ công nhân viên bệnh viện (BV)… Nhiều cơ sở y tế đã có những đổi thay đáng kể như thế.
Nhân viên xử lý rác/chất thải đã không còn sợ làm việc ở nơi được cho là đáng sợ
Trạm xử lý và lưu giữ nước thải của Viện Bỏng có công suất 500m3/ngày/đêm này vừa chính thức được nghiệm thu và đưa vào hoạt động đầu tháng 5 vừa qua. Trong đó, hệ thống giám sát và điều khiển hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Nhật Bản được thiết kế công nghiệp quan trắc tự động bằng các cảm biến do truyền dữ liệu online về máy chủ điều khiển đồng bộ cùng phần mềm giám sát SCADA cho phép giám sát và theo dõi chất lượng nước, cảnh báo bằng còi và đèn khi hệ thống xảy ra lỗi.
Khu vực nuôi cá bằng nước thải BVĐK Giá Rai (Bạc Liêu) đã qua xử lý.
PGS.TS. Nguyễn Gia Tiến - Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, công nghệ xử lý này rất hiện đại nên nhân viên kỹ thuật không phải quá vất vả tự tính từng thông số để xử lý nước thải như ngày xưa. Cũng nhờ thay đổi ấy mà bây giờ họ có thể an tâm làm việc ở khu vực này lâu hơn, khác hẳn với trước đây “ai cũng sợ đến khu vực này vì mùi chất thải/nước thải của BV”. Xung quanh khu vực đã từng “đáng sợ” ấy, những cây phượng đã bắt đầu lên xanh. Bồn trồng cây cũng được sơn xanh, nền thảm cỏ dưới chân cũng xanh mát. Cùng với đó, do thường xuyên được tập huấn, nhắc nhở và thậm chí kiểm tra bất ngờ nên nhận thức của cán bộ trong BV về phân loại chất thải cũng đã thay đổi.
Đồng thời, cứ vào dịp Tết hàng năm, lãnh đạo Viện lại tổ chức Tết trồng cây khiến cho màu xanh trong mỗi ngày một nhiều thêm. “Nếu giữ được BV xanh-sạch-đẹp thì không chỉ người bệnh mà nhân viên y tế cũng hưởng lợi khi được điều trị/làm việc trong môi trường an lành, thoáng mát”, PGS.TS. Nguyễn Gia Tiến cho biết.
Thùng đựng chất thải theo màu quy định tại BV Lao và Bệnh phổi Nghệ An.
Nuôi cá, trồng cây từ nước thải BV
Trong khi đó, tại BVĐK Giá Rai (Bạc Liêu), hệ thống xử lý nước thải đồng bộ được kiểm nghiệm chất lượng trực tiếp thông qua việc nuôi cá hải tượng, tai tượng cũng như tưới rau, tạo thêm nguồn dinh dưỡng cho cán bộ công nhân viên BV. Đánh giá về chất lượng nước thải bệnh viện qua xử lý, TS.BS. Huỳnh Văn Dũng - Giám đốc BVĐK Giá Rai nhấn mạnh: Nước thải đã xử lý đem tưới rau, nuôi cá còn tốt hơn nước thường.
Tại BV Lao và bệnh phổi Nghệ An, lượng chất thải y tế phát sinh khá lớn với trung bình 61m3/ ngày đêm. Vì thế, tại mỗi khoa, phòng hay khu vực công cộng đều đặt các thùng, túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định (xanh, vàng, đen, trắng) cho từng loại rác thải; đồng thời có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết, thuận tiện cho người nhà và người bệnh trong sinh hoạt, không để chất thải nguy hại lẫn vào chất thải thông thường. BSCKII Đậu Minh Quang - Giám đốc BV Lao và bệnh phổi Nghệ An cho biết, BV tiếp tục duy trì và thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, việc thu gom, xử lý và quản lý chất thải theo đúng quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Khu xử lý nước thải của Viện Bỏng Quốc gia.
BV không chỉ có màu trắng
Sau nhiều năm làm việc trong môi trường chật chội, thiếu thốn đủ thứ, Ban giám đốc BV ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã đặt quyết tâm xây dựng đơn vị mình trở thành một BV xanh – sạch – đẹp đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mọi ngóc ngách trong BV dù chỉ vài m2 thôi cũng được các y bác sĩ chăm sóc tận tình. Một góc tiểu cảnh nhỏ với những viên sỏi dễ thương do nhân viên trong viện tự nghĩ ra, tự trang trí và có thể di động đi nhiều nơi, được đặt ngay tại sảnh chờ của BV. Khu vực thông gió cho cả tòa nhà được phủ xanh bởi một hàng cây chạy dọc bức tường, trông như con đường đi dạo. Toàn bộ khoảng sân trên lầu 4 được biến thành công viên xanh mát, có hồ nước, cây cầu, ghế đá để 3.000 cán bộ công nhân viên có thể nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả...