Hà Nội

Không lạm dụng thuốc “bổ gan”

31-07-2018 09:12 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Hiện nay các bệnh viêm gan xảy ra nhiều hơn trước và trong điều trị bệnh thường có dùng thuốc tăng cường chức năng gan, quen gọi là thuốc “bổ gan”.

Nhưng  cần hiểu về thuốc này và dùng đúng loại, đúng lúc mới có hiệu quả, nếu không có khi còn có hại.

Hiểu biết về chức năng gan và enzym gan

Enzym (men) gan do tế bào gan sinh ra khi chết do quá trình sinh lý lão hóa tự nhiên nên bình thường có ở một mức cố định. Hai enzym chính để dánh giá tình trạng của gan là  AST (aspart transaminase) và ALT (alanin transaminase). AST có ở bào tương, ty thể của tế bào gan, ngoài ra còn có ở tế bào cơ tim, cơ vân, thận, não, tụy. ALT có ở bào tương của tế bào gan, ngoài ra chỉ có một ít ở tế bào cơ vân, cơ tim. Mức cố định của AST là dưới 37U/L của ALT là dưới 40U/L.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng enzym gan:  nhiễm virút như viêm gan B-C-A-E-D, sởi, nhiễm ký sinh trùng sốt rét, giun, các bệnh viêm đường mật túi mật, sỏi đường mật ở đoạn trong gan, teo đường mật bẩm sinh, viêm tụy, viêm dạ dày cấp, tăng lipid máu, viêm gan tự miễn, ứ sắt,  ung thư, dùng rượu, dùng thuốc sai.

Loại và mức tăng enzym gan tùy vào nguyên nhân. Trong viêm gan B vừa tăng  AST vừa tăng ALT, trong viêm gan do rượu lại tăng AST nhưng ít tăng ALT.

Theo quy ước nếu enzym gan tăng gấp quá  2 lần mức cố định thì coi là có tổn thương nhu mô gan nghiêm trọng. Trong thực tế có những bệnh enzym gan tăng rất cao như trong ung thư tăng tới mức 5.000U/L, ngộ độc thuốc lao tăng tới mức 3.000U/L.

Lúc có tổn thương như vậy cần dùng thuốc giúp cho sự tái tạo nhu mô gan, giảm sự tăng enzym gan, tăng cường chức năng gan gọi chung là thuốc chống nhiễm độc gan hay thuốc hỗ trợ gan, dân ta quen gọi không chính xác lắm là thuốc “bổ gan”.

Không lạm dụng thuốc “bổ gan”

Sơ lược về một số thuốc chính

Nhóm thuốc đi từ thảo dược:

Thuốc đi từ diệp hạ châu (toàn thân cây chó đẻ răng cưa Phyllanthus  urinaria Euphorbiaceae): có hai biệt dược tương tự nhau, trong đó: Livsin-94VN còn có thêm cỏ nhọ nồi (Euclipta alba Compositeae), quả cây chua ngút (Embeliae ribes Myrinaceae); còn Oraliver  có thêm cây bồ bồ (Adenosma capitatum Scrophulariaceae).

Tác dụng: ức chế virút viêm gan B (giảm kháng nguyên HBsAg của virút này), có khả năng phục hồi rõ rệt tế bào gan bị hoại tử, làm giảm enzym gan (bất thường do các nguyên nhân khác nhau), phục hồi chức năng gan, tăng sản xuất mật, thông mật.

Chỉ định: dùng hỗ trợ điều trị viêm gan B thể mạn và cấp, viêm gan mạn do mọi nguyên nhân, suy giảm chức năng gan, bảo vệ và phục hồi chức năng gan bị suy giảm do uống nhiều rượu bia, do dùng thuốc, hỗ trợ điều trị xơ gan.

Thuốc đi từ cây có hoạt chất flanvonoid: có thuốc silibinin (hỗn hợp flavonoid của cây kế sữa (Silybum mariamun Astenaceae), thuốc silimarin (chiết từ cây Cardus marianus). Tác dụng: ổn định màng tế bào, kích thích việc tái tạo nhu mô gan, duy trì các chức năng nhu mô, bảo vệ gan, có tính hướng mỡ. Chỉ định: dùng bảo vệ nhu mô gan khi dùng các thuốc có độc với gan. Nước ta không có cây kế sữa  nhưng có quả cây dành dành (Gardenia florida Rubiacceae) chứa flavonoid dùng chữa bệnh viêm gan vàng da riêng lẻ hay phối hợp với cây nhân trần Việt Nam (Astemisia caruleum) hay nhân trần Trung Quốc (Astemisia capillaries) cùng  họ Compositeae  hay với cây bồ bồ (Adenosma capitatum Scrophulariaceae).

Nhóm các hóa chất tổng hợp:

Biphenyldimetyldicarboxylat (BPDM): chất này là hóa tổng hợp song bắt chước và giống schisandrin-C một hoạt chất trong cây ngũ vị tử Bắc (Schisandra sinesis Schisandraceae). Thuốc thải trừ gốc tự do, ức chế quá trình peroxid mỡ, ức chế quá trình gắn chất độc vào lipid gan, ổn định màng tế bào gan, nhờ thế mà ức chế việc hủy tế bào gan, tạo ra các cytochrom P-450 trong mạng lưới nội bào giúp cho việc khử độc gan, tham gia vào quá trình tái tạo gan bằng cách gia tăng khối lượng gan và tiểu thể protein, tăng đáp ứng miễn dịch chống lại các tổn thương gan khi dùng rượu, dùng thuốc, làm giảm nhanh enzym gan ALT. Dùng hỗ trợ điều trị viêm gan do nhiễm virút do uống rượu dùng thuốc (paracetamol, pyraziamid, hóa trị ung thư) do gan nhiễm mỡ do bị nhiễm độc miễn dịch (như ngộ độc tetrachloruacarbon, ketoconazol).

Methionin: axít amin chứa lưu huỳnh. Có tính hướng mỡ, có tính methyl hóa sulfur hóa nên có tác dụng chống độc. Được  dùng trong viêm gan do nhiễm độc thuốc.

Flumeciol: chất cảm ứng enzym, bảo vệ enzym gan (do tính giải độc với một số hóa chất thuốc). Dùng trong viêm gan do nhiễm độc (như ngộ độc thuốc do chuyển hóa).

Ciandiazol: có tính năng tăng cường nồng độ ATP ở gan, khử các gốc tự do, ổn định màng tế bào gan, tăng khả năng đáp ứng miễn dịch. Dùng trong viêm gan do virút cấp và mạn, bệnh gan do nghiện rượu, nhiễm độc gan cấp.

Dùng đúng, tránh lạm dụng

- Tất cả các thuốc chỉ hỗ trợ trong  điều trị tổn thương gan mà không  tác dụng lên nguyên nhân gây tổn thương gan. Trước khi dùng các thuốc  hỗ trợ  phải dùng thuốc chữa nguyên nhân. Ví dụ: với tổn thương gan do virút viêm gan B phải dùng thuốc ức chế sinh sản virút như lavimidin, adefovir, interferon. Với tổn thương gan do hóa chất phải ngừng tiếp xúc với hóa chất và dùng các thuốc giải độc đặc hiệu. Ví dụ ngộ độc phosphor hữu cơ phải dùng PAM, ngộ độc chì phải dùng EDTA. Ngay các thuốc livsin-94VN, oraliver có một phần nào làm hạn chế sự sinh sản virút cũng không có thể thay thế các thuốc chữa nguyên nhân gây tổn thương gan như nói trên.

- Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương gan và mỗi loại thuốc chỉ có thể hỗ trợ cho một hoặc một số nguyên nhân gây tổn thương gan nhất định. Do đó, phải tuân theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc, chứ không coi chúng là thuốc “bổ gan” chung chung và dùng tùy tiện.

- Thời điểm thích hợp nhất dùng thuốc hỗ trợ gan là sau khi dùng thuốc chữa nguyên nhân gây tổn thương gan và đã đưa bệnh về trạng thái ổn định. Bất cứ thuốc nào khi vào cơ thể cũng đều buộc gan phải làm việc để chuyển hóa thành chất có lợi và hóa giải thành chất không độc. Khi bệnh gan đang tiến triển hay xơ gan thì chưa nên dùng thuốc hỗ trợ vì dùng như thế sẽ làm gan mệt thêm.

- Khi enzym gan bị tăng bất thường, chức năng gan, kể cả chức năng giải độc bị giảm sút thì dùng thuốc nhưng khi enzym gan và chức năng gan đã trở về mức bình thường thì phải ngừng thuốc không dùng kéo dài.

- Một số thuốc hỗ trợ gan nói trên cũng có tác dụng phụ ví dụ như methionin có thể gây buồn nôn, ngủ gật, nhiễm toan tăng nitơ máu ở người suy chức năng gan thận, vì vậy không được dùng cho người nhiễm toan suy gan nặng. Phải dùng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc không nên xem chúng là thuốc “bổ gan” và dùng tùy tiện.


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn