Hà Nội

Không làm bánh giầy 3 tấn dâng vua Hùng dịp Giỗ Tổ

28-02-2018 08:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Những ngày qua, thông tin TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đề nghị được làm bánh giầy 3 tấn để dâng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương khiến dư luận quan tâm.

Trả lời vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định tỉnh sẽ không đồng ý với đề xuất trên. Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy tại TP. Sầm Sơn vẫn diễn ra như truyền thống hàng năm chứ không được làm đột biến.

Chiếc bánh giầy nặng 2 tấn được làm trong lễ hội đền Độc Cước ở Sầm Sơn năm 2017.

Chiếc bánh giầy nặng 2 tấn được làm trong lễ hội đền Độc Cước ở Sầm Sơn năm 2017.

Trước đó, vào ngày 2/2, UBND TP. Sầm Sơn có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép làm bánh giầy kỷ lục Sầm Sơn dâng lên Vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018. Theo dự kiến, chiếc bánh có trọng lượng hơn 3 tấn, nguyên liệu từ gạo nếp. Ý tưởng của TP. Sầm Sơn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Nhiều người cho rằng làm chiếc bánh giầy 3 tấn chỉ để đua đòi kỉ lục là căn bệnh hình thức, phô trương và lãng phí.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Duy Phương - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Thanh Hóa cho biết, cơ quan này đã nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc TP. Sầm Sơn xin dâng bánh giầy 3 tấn lên vua Hùng. Hiện báo chí và người dân có nhiều ý kiến trái chiều về việc này nên Sở phải nghiên cứu thật thận trọng, nhiều chiều và sẽ có ý kiến chính thức.

Theo đề xuất của TP. Sầm Sơn, nguồn kính phí làm bánh giầy nặng 3 tấn sẽ huy động xã hội hóa. “Dù xã hội hóa hay lấy tiền ngân sách cũng phải làm sao cho hợp lý, không phản cảm. Phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nghiên cứu nguyện vọng tấm lòng thơm thảo của lãnh đạo TP. Sầm Sơn dâng lên vua Hùng. Làm sao cho nó phù hợp thì phải tính toán, nghiên cứa kỹ lưỡng”, ông Phương nói.

Về việc này, cùng ngày, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch khẳng định việc TP. Sầm Sơn đề xuất dâng bánh giầy nặng 3 tấn mang nặng tính hình thức và gây lãng phí. Đây là việc không cần thiết bởi hiện Thanh Hóa còn nhiều người nghèo. “Số gạo đó nên dành để hỗ trợ người nghèo. Việc đó sẽ ý nghĩa hơn làm bánh giầy khổng lồ”, bà Thủy đề nghị.


T.Hoài
Ý kiến của bạn