Hà Nội

Không lạ nếu ít bữa nữa Nga-Mỹ bắt tay nhau

21-03-2014 08:24 | Quốc tế
google news

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, chính khách lọc lõi từng phục vụ 3 đời Tổng thống Mỹ, vừa nhắc nhở lớp “hậu sinh” rằng, chớ nên quên Ukraine nằm giữa ranh giới hai nền văn minh, một nửa Ukraine luôn nằm trong cái nôi thấm đẫm văn hóa, lịch sử, chính trị và Chính thống giáo Nga.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, chính khách lọc lõi từng phục vụ 3 đời Tổng thống Mỹ, vừa nhắc nhở lớp “hậu sinh” rằng, chớ nên quên Ukraine nằm giữa ranh giới hai nền văn minh, một nửa Ukraine luôn nằm trong cái nôi thấm đẫm văn hóa, lịch sử, chính trị và Chính thống giáo Nga.

Phương Tây và chính quyền mới Kiev đã quên mất điều đó và phạm sai lầm khi vượt quá “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo trong bài phát biểu lịch sử hôm 18/3.

Vì “quên” nên chính quyền Kiev sau khi lật đổ ông Viktor Yanukovych, đã hấp tấp quyết định hủy quy chế công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia, còn đe “đuổi’ hạm đội Biển Đen của Nga ra khỏi Sevastopol. Cực đoan hơn, một thủ lĩnh đối lập còn kêu gọi các chiến binh Hồi giáo ly khai Chechnya tích cực đánh phá Nga... Phương Tây chỉ có thể tự trách mình với chiến lược bất đồng, lộn xộn, vội vã hợp thức hóa vội vã cuộc nổi dậy ở Ukraine, tự xé bỏ thỏa hiệp do chính họ đề xuất. Còn ông Putin đã cho Mỹ và EU một bài học về chiến lược, luôn đi trước một bước.

“Gáo nước lạnh” Crimea chắc chắn khiến chính quyền Kiev và phương Tây tỉnh ra nhiều điều. Không dưng, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk lật đật lên truyền hình tuyên bố sẽ tăng thêm quyền cho các tỉnh miền đông, tiếng Nga vẫn nằm trong hệ thống ngôn ngữ quốc gia, và vấn đề gia nhập NATO “không có trong nghị trình”.

Ông Yatsenyuk dường như đã ngộ được rằng, Ukraine không may bị kẹt giữa cuộc đấu của những người khổng lồ. Với cái giá quá đắt, Ukraine học được nhiều điều. Trước hết, tuyệt đối không được coi thường mối bất bình bị kìm nén của người láng giềng khổng lồ. Thứ hai, để xảy ra sự đã rồi thì hầu như không còn cơ hội cứu vãn. Thứ ba, muốn tồn tại cần nội lực, đừng bao giờ ngây thơ tin rằng “ông anh” nào đó sẽ hy sinh lợi ích riêng vì những “chuyện vặt” với họ.

Crimea đã thuộc về Nga, việc cần làm ông Putin đã làm, thực tế này không thể thay đổi được nữa. Ông Putin không quan tâm chuyện ai yêu hay ghét, mà hành động để buộc kẻ khác phải tôn trọng nước Nga. Bởi thế, học giả Mỹ Andranik Migranyan đã ví ông Putin là Reagan của Nga.

Phương Tây cũng không thể không trừng phạt Nga, Mỹ và EU đương nhiên phải dằn mặt Nga để khẳng định rằng, cộng đồng quốc tế có luật chơi, nước Nga có nghĩa vụ phải tôn trọng. Đây không chỉ là nguyên tắc mà còn liên quan vấn đề danh dự và thể diện. Nga hứng chịu tổn thất không nhỏ, nhưng phương Tây bị vố đau.

Cục diện căng thẳng, bế tắc hiện nay cứ kéo dài thì cả Nga và phương Tây đều thiệt hại nếu không bên nào chịu xuống thang. Hiển nhiên Mỹ và EU ý thức rõ điều này, cho nên dù áp đặt lệnh trừng phạt với Nga nhưng cũng khá chừng mực.

Mỹ và EU đều không muốn dồn Nga vào chân tường, bởi tất cả đều hiểu rõ trong thế giới phẳng, sự liên kết, ràng buộc nhau quá lớn. Phương Tây lừng chừng chưa dám trừng phạt kinh tế Nga vì ngán đòn “hồi mã thương”, song rốt cuộc, các ông lớn thế giới cũng vẫn phải ngồi lại với nhau. Còn cả đống hồ sơ gai góc Syria, Iran, Afghanistan trông chờ vai trò của Nga.

 

Nói xuất hiện chiến tranh lạnh mới e rằng phóng đại, EU và Mỹ đều có những ưu tiên cao hơn cuộc khủng hoảng Ukraine. Với EU mới tạm hồi phục sau suy trầm kinh tế, điều chỉnh lại cơ thể bệnh tật đang là vấn đề cốt tử.

Nhiều học giả cũng đã nhắc Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, tập trung ưu tiên chiến lược tái cân bằng châu Á và cuộc đấu với Trung Quốc mới đáng kẻ thức thời. Bởi vậy, dù đôi bên lên gân lớn tiếng, nhưng chẳng có gì lạ nếu ít bữa nữa họ lại bắt tay nhau.

Theo Tiền Phong

 

 

 

 


Ý kiến của bạn