Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

24-11-2014 00:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với Chương trình phòng chống HIV/AIDS.

Tiếp theo số 185

Và lợi bất cập hại

Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với Chương trình phòng chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận, do đó, họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy, họ có thể “vô tư” truyền HIV cho người khác.

Thiếu sự thông cảm, giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến bi quan, chán nản hoặc sợ hãi, không tiết lộ danh tính, không tiếp cận dịch vụ, do vậy, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng không có được số ca bệnh chính xác, cũng không ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch. Việc lập kế hoạch dựa trên những thông tin không đầy đủ sẽ chỉ làm lãng phí tiền của và đặc biệt là không ngăn chặn được sự lây lan của HIV.

Một vấn đề khác là chúng ta đã bỏ phí một nguồn lực lớn, không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không làm việc, không được chăm sóc và như vậy, họ có thể chết sớm do không được chăm sóc, để lại vợ, con, bố mẹ già làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên làm mất đi một lực lượng có hiệu quả trong phòng, chống AIDS.

Cuối cùng là kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khỏe, làm việc, học hành, tự do đi lại... là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ. Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. 

Thủy Xuân

 


Ý kiến của bạn