Không khí ô nhiễm: Bệnh vào từ mũi

04-11-2016 07:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hít thở trong bầu không khí ô nhiễm chính là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh tật hiện nay. Các chuyên gia y tế đã lý giải điều này tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến: “Vấn nạn ô nhiễm không khí với sức khỏe” do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức ngày 3.11.

tư vấn trực tuyến

Bệnh tai mũi họng “tấn công” trẻ nhỏ

Trong rất nhiều câu hỏi gửi tới buổi tư vấn Truyền hình trực tuyến “Vấn nạn ô nhiễm không khí với sức khỏe” có rất nhiều cha mẹ tìm câu giải đáp của các chuyên gia y tế về tình trạng bệnh hô hấp của con cái. Nói về vấn đề này,  PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong 100 đứa trẻ vào viện thì có đến khoảng 70 đứa trẻ có bệnh về đường hô hấp. Bệnh lý hô hấp thì có nhiều hệ thống từ trên xuống dưới như tai, mũi, họng, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản...

Các bệnh lý đường hô hấp dưới thì nặng hơn nhưng ít hơn, còn bệnh lý đường hô hấp trên rất hay gặp. Mỗi năm 1 đứa trẻ dưới 2 tuổi bị ít nhất 3-5 đợt hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, đặc biệt khi thay đổi thời tiết như thời điểm này. Do đó số bệnh nhân nhi khoa và tai mũi họng vào thời điểm này thường rất đông. Bệnh đường hô hấp có một câu nói là "lai rai như tai-mũi-họng", tức là bệnh cứ tái đi tái lại, thông từ tai sang mũi, họng, vì thế không có gì lạ nếu hôm nay bác sĩ này chẩn đoán viêm họng, ngày mai bác sĩ khác lại chẩn đoán viêm tai giữa... Tôi cũng hiểu tâm lý của các ông bố bà mẹ lo lắng khi kiên trì cho con đi khám liên tục 9 tháng và uống đủ các loại thuốc nhưng vẫn cứ mắc bệnh liên tục.

khám bệnh trẻ emĐa số trẻ em mắc bệnh về tai mũi họng

Tôi muốn nhắc lại rằng dự phòng chính là cách để làm cho đứa trẻ không bị bệnh. Ngoài việc tuân thủ điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ thì còn một vấn đề đáng quan tâm là gia đình đang sống trong môi trường như thế nào. Ví dụ trong nhà có người hút thuốc lá không, môi trường có quá chật hẹp hay không, cháu có bị lây nhiễm chéo trong môi trường nhà trẻ hay mẫu giáo không, con chị có bị suy dinh dưỡng không, có bệnh lý khác kèm theo không... chúng ta phải giải quyết tất cả các vấn đề đó kết hợp với dùng thuốc thì mới giải quyết được tình trạng bệnh.Tôi nghĩ anh chị nên đưa cháu đến cơ sở điều trị chuyên khoa tai-mũi-họng trung ương để được tư vấn chính xác cả về dự phòng tiên phát, cả về chế độ ăn, thuốc...

ThS.BS. Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng KHTH, bác sĩ Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, chúng tôi cũng gặp khá nhiều trẻ với các biểu hiện viêm mũi họng, sau đó có thể có viêm tai hay viêm phế quản, có thể kèm theo các bệnh lý ở phế quản như bệnh hen. Ở góc độ chuyên ngành tai-mũi-họng, ở lứa tuổi con bạn là lứa tuổi viêm VA. Trong trường hợp bệnh tái diễn nhiều, khi thăm khám có VA quá phát thì chúng ta cũng có thể cân nhắc vấn đề nạo VA vì đấy có thể là ổ nhiễm trùng, khởi phát đầu tiên của các đợt bệnh tái đi tái lại, hơn nữa vị trí đấy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bệnh lý viêm tai, tức là cứ sau khi viêm mũi họng lại viêm tai, đôi khi bệnh viêm tai sẽ làm cho các bà mẹ lo lắng hơn rất nhiều. Do đó bố mẹ nên đưa con đến các cơ sở chuyên khoa tai-mũi-họng để được tư vấn kỹ hơn.

Giải mẫn cảm để “tiêu diệt” dị ứng

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, dị ứng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý mạn tính. Dị ứng có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, cần xem chúng ta dị ứng với cái gì? Đôi khi chúng ta tìm được để tránh nhưng nhiều trường hợp cũng không tìm được tác nhân gây dị ứng. Tiếp theo là phải kiểm soát dị ứng đó. Đối với trẻ em có thể dùng thuốc chống dị ứng đường uống, hoặc một lựa chọn nữa là thuốc xịt giúp kiểm soát dị ứng tại chỗ.

PGS. TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy cho rằng, nguyên tắc xử trí bệnh dị ứng là như nhau: kiểm soát yếu tố gây bùng phát cơn hen, dự phòng kiểm soát triệu chứng khi bị bệnh. Hiện nay có một biện pháp chữa dị ứng rất hiệu quả, đó là miễn dịch dị ứng. Bởi mong muốn của cha mẹ có con bị dị ứng là chữa khỏi hẳn, mà ta biết được rằng viêm mũi dị ứng là bệnh không thể chữa khỏi hẳn. Khi có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, là do có tiếp xúc với yếu tố dị ứng hay dị nguyên. Nhưng trẻ có thể dị ứng với nhiều tác nhân chứ không phải chỉ một tác nhân. Bên Khoa Tai Mũi Họng hoặc bên Trung tâm Dị ứng, có biện pháp giải mẫn cảm, nghĩa là nếu mình tìm được ra yếu tố dị ứng đấy, tìm ra cách miễn dịch dị ứng, giúp hạn chế tối đa các bệnh lý về dị ứng. Ngoài thuốc tiêm hoặc uống, thì giải mẫn cảm có thể giúp giảm nhẹ tình trạng đó.

bệnh nhân dị ứng

Dị ứng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, dị ứng là nguyên nhân gây ra  bệnh hen suyễn, hen phế quản. Hen là một quá trình từ từ, hít dần dị nguyên theo thời gian nên thông thường khoảng 2-3 tuổi trở lên thì mới chẩn đoán chắc chắn hen phế quản. Vào mùa đông xuân là thời điểm thay đổi thời tiết, khởi phát cơn hen. Vào mùa này, khi con trẻ có biểu hiện của hen nên đi khám bác sĩ để bác sĩ chỉ định liều phù hợp, phối hợp cả thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm.

PGS.TS Diệu Thúy nhấn mạnh, thuốc corticoid thực sự là một loại thuốc chủ chốt trong điều trị hen phế quản, tuy nhiên nhiều bệnh nhân rất sợ vì corticoid có nhiều tác dụng phụ như loãng xương, loét dạ dày, cao huyết áp... Thực ra corticoid dùng trong hen phế quản lại rất khác, rất ngắn ngày (3-5 ngày), thậm chí nếu kiểm soát tốt thì không cần dùng corticoid đường toàn thân mà chỉ dùng đường tại chỗ. Nhưng nếu đã bị hen và bác sĩ đã có chỉ định dùng thì bệnh nhân nên tuân thủ điều trị, nếu không sẽ lại ho, khò khè, thậm chí biến chứng viêm phổi thì còn phải dùng nhiều thuốc hơn nữa.

Vì sao đã phẫu thuật viêm xoang, bệnh vẫn tái phát?

Trả lời câu hỏi này, Ths.Bs Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng KHTH, bác sĩ Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Tai mũi họng trung ương năm 2012 về các nguyên nhân tái phát sau phẫu thuật nội soi mũi xoang, 95% tái phát do tắc lỗ thông mũi xoang sau phẫu thuật, gần 30% vẫn còn các dị hình ở mũi mà chưa được can thiệp như lệch, vẹo và hơn 40% là dính hốc mổ có thể là di chứng của phẫu thuật và cũng có thể là liên quan đến chăm sóc hậu phẫu không được tốt vì chăm sóc hậu phẫu có vai trò rất lớn sau phẫu thuật nội soi mũi xoang. Nghiên cứu cũng đề cập đến vấn đề viêm mũi xoang dị ứng và bệnh hen là những yếu tố tác động ảnh hưởng đến sự tái phát của viêm mũi xoang mạn tính. Trong các nguyên nhân gây viêm xoang thì người ta có đề cập nguyên nhân như màng bao phim hay hiện tượng viêm xương trong viêm xoang. Do vậy còn có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xoang mạn tính. Người bệnh nên đi khám làm các xét nghiệm để có thể tìm ra các yếu tố lý do tại sao bệnh tái phát.


Ngọc Phương
Ý kiến của bạn