Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, không khí lạnh suy yếu và biến tính, cộng với các hoạt động thi công, di chuyển có tần suất cao khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô tái diễn. Các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, kết hợp với sương mù tạo ra bầu không khí đặc quánh, tầm nhìn xa giảm.
Đơn vị này khuyến cáo với chất lượng không khí như hiện nay, người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vì vậy, vào khung giờ sáng sớm và chiều tối, người dân không nên ra ngoài tập thể dục, nhất là người già và trẻ em. Khi ra ngoài, người dân cần mang khẩu trang chống bụi PM2.5.
Ngày đầu trở lại, ô nhiễm tăng ngay
Theo số liệu ghi nhận sáng 4/1/2022, tại Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình là 162, mức xấu. Có hai điểm ở mức rất xấu thuộc trung tâm quận Hoàng Mai và khu vực Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Nhiều điểm chất lượng không khí xấu nằm rải rác khắp các quận, huyện.
Đáng chú ý, hầu hết "điểm đen" không khí đều nằm ở khu vực trung tâm nơi mật độ giao thông cực cao, trong khi các huyện ngoại thành, hoặc xa trung tâm hơn như quận Long Biên, không ghi nhận điều này.
Trước đó, vào các ngày nghỉ lễ, cụ thể ngày đầu năm mới (1/1/2022), chất lượng không khí (CLKK) 4 khu vực tại Hà Nội ở mức kém - mức những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, người bình thường ít bị ảnh hưởng.
Cụ thể, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), trong khoảng thời gian từ 15 giờ ngày 31/12/2021 đến 14 giờ ngày 1/1/2022, tại 9 trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP có 4 khu vực ở mức kém, 5 khu vực CLKK ở mức trung bình.
Trong đó, khu vực CLKK ở mức kém gồm Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Thành Công, Kim Liên với chỉ số CLKK (AQI) lần lượt là 118, 124, 128 và 135; Khu vực CLKK ở mức trung bình gồm Hoàn Kiếm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Mỹ Đình, Tây Mỗ, Tân Mai với AQI lần lượt là 52, 60, 66, 71 và 94.
Tuy nhiên, theo số liệu từ hệ thống quan trắc không khí tự động tại Cổng thông tin Quan trắc môi trường trên địa bàn TP tại thời điểm 17 giờ 15 phút ngày 1/1/2022, trong 9 trạm quan trắc không khí có 4 khu vực CLKK ở mức xấu, 2 khu vực ở mức kém và 3 khu vực ở mức trung bình.
Cụ thể, các khu vực có CLKK ở mức xấu gồm Phạm Văn Đồng (164), Kim Liên (171), Hàng Đậu (178) và Thành Công (187); 2 khu vực CLKK ở mức kém gồm Hoàn Kiếm (107), Tân Mai (139); các khu vực CLKK ở mức trung bình gồm Chi cục Bảo vệ Môi trường (77), Tây Mỗ (85), Mỹ Đình (87).
"Bệnh" kinh niên
Tương tự, các trang web, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí cũng cho thấy nhiều điểm tương tự. Chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm nghiêm trọng trong những ngày đầu năm mới. Nhiều điểm quan trắc ghi nhận chỉ số AQI vượt 300 đơn vị, ở ngưỡng nguy hại cho sức khỏe.
Lúc 10g ngày 4/1, dữ liệu trên trang aqicn.org đã ghi nhận khoảng 10 điểm có không khí ở mức rất xấu. Nhiều điểm rải rác từ quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm đều cho ngưỡng nguy hại cho sức khoẻ, AQI dao động 220-260.
Đây có thể là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất tại Hà Nội kể từ đầu mùa thu đông. Trước đó, khu vực thủ đô đã có nhiều ngày suy giảm chất lượng không khí nhưng rất ít điểm ở ngưỡng nguy hại như những ngày qua. Hôm nay, mức độ ô nhiễm ở Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng cũng tương đương Hà Nội. Tại TP.HCM, chất lượng không khí cũng suy giảm nhưng không quá lo ngại, dao động 100-150 đơn vị.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng sương mù tại Hà Nội kéo dài đến hết ngày 5/1. không khí lạnh tăng cường có thể gây mưa nhỏ rải rác cho các khu vực Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội vào ngày 6-9/1, có thể khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô sẽ được cải thiện.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi