Những ngày gần đây, thông tin không khí ở Hà Nội còn nhiễm cả thủy ngân đã khiến nhiều người dân Thủ đô vô cùng lo lắng. Ô nhiễm thực phẩm hay nguồn nước còn có thể tránh được, nhưng không ai có thể nhịn thở. Vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người vẫn thiếu ý thức trong việc thải chất độc ra môi trường, thờ ơ với không gian sống xung quanh nên vấn nạn ô nhiễm này không có gì là bất ngờ để phải giật mình, mà quan trọng là giải pháp ra sao.
Trên thực tế, ô nhiễm không khí ở Thủ đô gần đây thường được cảnh báo liên tục, nhất là sau kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ cho rằng mức độ ô nhiễm ở Hà Nội cao nhất trên thang đánh giá. Nhưng mới đây, trạm quan trắc môi trường tự động của Tổng cục Môi trường đặt tại Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội còn phát hiện cả thủy ngân trong không khí tại Thủ đô. Việc có chất thủy ngân trong không khí thực sự là một vấn đề mà các nhà quan trắc môi trường trên thế giới rất đáng lo ngại bởi chất này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân sống trong vùng ô nhiễm.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí ở Hà Nội. TS. Hoàng Dương Tùng nói: “Ngay tại Hà Nội, chúng tôi cũng đang đo được chỉ số ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Tuy nhiên, do mới đo được ở một địa điểm nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả vào lúc này là phải xác định được nguồn gây ô nhiễm thuỷ ngân trong không khí. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống để quan trắc xác định những vấn đề này”.
Không khí Hà Nội đang thực sự ô nhiễm, làm chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng, nếu không sớm có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, không khí Hà Nội sẽ nhanh chóng giống như Bắc Kinh hiện nay. Nguyên nhân, theo các chuyên gia môi trường khẳng định qua kết quả đo đạc, không khí Hà Nội không chỉ có thủy ngân mà còn có nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người như SO2, NO2, CO, benzen... là do không kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng ôtô, xe máy, xăng dầu dẫn đến thải ra nhiều chất độc; không kiểm soát chặt chẽ nguồn đốt rác thải, rơm rạ; quản trị đô thị không tốt dẫn đến bụi bặm từ các công trình.
Trước tình trạng này, các nhà quản lý môi trường khuyến cáo để bảo vệ và làm trong sạch không khí, môi trường đang hít thở, mỗi người phải có ý thức trong việc không được thải chất độc ra môi trường, không thờ ơ với không gian sống xung quanh, không khí hít thở… Mỗi người đều phải có trách nhiệm và hiểu biết để có hành vi đúng cũng như dạy dỗ con cái trong việc bảo vệ môi trường.