Các triệu chứng vừa kể là do dạ dày ruột bị đầy hơi, có phản ứng co thắt gây tiêu chảy, chính do cơ thể không dung nạp (tức không chịu, không hạp) với đường lactose.
Lactose là dạng đường chủ yếu có trong sữa và các sản phẩm từ sữa và được tiêu hóa trong ruột nhờ sự trợ giúp của men (enzym) lactase. Nếu không có hoặc thiếu hụt men này cơ thể sẽ không dung nạp được lactose. Không “hạp” sữa có nghĩa là cơ thể không thể tiêu hóa được lactose, chất đường chính trong sữa. Để hấp thụ vào máu, cơ thể phải tách đường lactose thành đường đơn glucose và galactose. Không dung nạp lactose nên người uống sữa không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose, và cơ thể phản ứng bằng các rối loạn vừa kể.
Một bạn đọc đã viết thư kể trường hợp không “hạp” sữa kể ở trên và cho biết khi uống sữa “lactose free” lại chịu, uống vào chẳng bị việc gì.
Là “lactose free” tức sữa không chứa lactose. Đây là sữa được chế biến, loại bỏ đường lactose để dành riêng cho người không dung nạp lactose. Như vậy, để dinh dưỡng tốt và bổ sung calci, người không “hạp” sữa vẫn có thể uống sữa với điều kiện là uống loại sữa không chứa lactose (lactose free). Bạn đọc có hỏi, trường hợp không “hạp” sữa có thể uống sữa thông thường tức chứa lactose và kèm theo thuốc trị rối loạn hay không. Xin thưa, trường hợp không “hạp” sữa không nên uống sữa thông thường tức chứa lactose và uống kèm theo thuốc trị rối loạn, mà chỉ nên uống sữa “lactose free”. Tốt nhất là không uống sữa có chứa lactose là các loại sữa đang dùng phổ biến hiện nay.
Đối với người cao tuổi có nguy cơ bị loãng xương do thiếu calci. Ngoài bổ sung calci bằng uống sữa, ta nên ăn thức ăn giàu calci và dễ hấp thu như sữa đậu nành, trai, sò hến, tôm, cá, cua, rong biển... Đồng thời, cũng nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, gan động vật, cá hồi…. để việc hấp thu calci trong cơ thể được tốt hơn. Nếu thấy thật sự cần bổ sung calci, khi đi khám bệnh, người cao tuổi nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung calci. Thấy thật sự cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc viên calci để phòng tránh thiếu hụt calci.
Cũng cần lưu ý, khi uống sữa, đặc biệt là sữa tươi có thể bị “rối loạn tiêu hóa” thể hiện bằng các triệu chứng: tiêu chảy, nôn ói, đau bụng… Các triệu chứng vừa kể là do dạ dày ruột phản ứng co thắt dữ dội để tống chất mà cơ thể xem là độc ra khỏi cơ thể theo đường miệng (nôn ói) và theo đường hậu môn (tiêu chảy). Trong trường hợp này, có thể do uống sữa bị nhiễm khuẩn. Do bảo quản không tốt, sữa rất dễ bị xâm nhiễm bởi vi khuẩn như vi khuẩn E. coli, Shigella, Clostridium botulinum… gây ngộ độc người uống sữa.
Y khoa cũng đã ghi nhận đa số người có thể uống sữa không có triệu chứng gì, nhưng với số ít người chỉ cần uống một ly nhỏ cũng đủ sinh ra triệu chứng rối loạn. Nguyên nhân với số ít người này là do họ bị dị ứng sữa.
Dị ứng sữa làm phát sinh các triệu chứng rối điển hình khi dùng sữa xong là bị phát ban, sưng mặt, môi và lưỡi, thở khò khè, nôn, và các vấn đề tiêu hóa. Hiếm khi, dị ứng sữa có thể gây ra sốc phản vệ - một phản ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Dị ứng sữa là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch của cơ thể với sữa và các sản phẩm có chứa sữa. Sữa bò là nguyên nhân dị ứng sữa thông thường, nhưng sữa từ cừu, dê, trâu cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.