Năm 2011, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) bổ nhiệm danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam (DLVN) cho diễn viên Lý Nhã Kỳ và đã hết nhiệm kỳ vào năm 2012. Lần này, để dân chủ hơn, Bộ đã sửa lại Quy chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ DLVN. Sau khi lấy ý kiến các ban ngành, báo chí, dự kiến đầu tháng 6/2014 Bộ sẽ ra Quy chế chính thức.
Đại sứ Du lịch - Kích cầu du lịch
Theo ông Hồ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, khách Trung Quốc thì hầu như ngừng nhập cảnh qua đường bộ và đường hàng không. Chỉ tiêu của ngành du lịch trong năm 2014 đón 8,3 triệu khách quốc tế, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều nên phải nghĩ cách tăng cường lượng khách ở các thị trường khác. Theo kế hoạch, vào ngày 3/6 chúng ta sẽ đón một đoàn khách gần 2.000 người, trong đó có cả khách nói tiếng Hoa đến Việt Nam bằng đường tàu biển, cập cảng Quảng Ninh. Trong tình hình biển Đông đang căng thẳng như hiện nay mà khách du lịch vẫn đến Việt Nam bằng đường biển là điều rất đáng mừng. Thế nên, theo ông Hồ Anh Tuấn, hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta cần phải tuyên truyền, quảng bá cho khách du lịch an tâm Việt Nam là điểm đến an toàn. Theo lãnh đạo Bộ, thời điểm này là cần thiết chọn Đại sứ Du lịch để góp phần thúc đẩy quảng bá, xúc tiến hình ảnh DLVN. Đương nhiên, điểm đến Việt Nam có hấp dẫn du khách quốc tế hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phục vụ, giá trị sản phẩm du lịch chứ không phải chỉ ở những cá nhân mang chức danh Đại sứ này.
Diễn viên Lan Phương - một trong những ứng cử viên Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Quy chế mới: Không giới hạn số lượng
Theo tiêu chuẩn trong Quy chế, các công dân Việt Nam và người nước ngoài có tình cảm và gắn bó với Việt Nam đều có quyền ứng cử. Hiện nay, danh sách ứng cử viên gồm: người đẹp du lịch Huỳnh Thị Ngọc Hân, diễn viên Lan Phương, giảng viên Anh ngữ Hồng Thuận, hoa hậu Asean Lê Thị Diệu Hân. Đầu bếp người Mỹ Bobby Chinn đang tiến hành các thủ tục để ứng cử. Anh là gương mặt nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt ở lĩnh vực ẩm thực, đã có thời gian dài sống ở Việt Nam. Diễn viên Lý Nhã Kỳ được nhiều khán giả mong muốn tiếp tục ứng cử, nếu bản thân Lý Nhã Kỳ có nguyện vọng, Bộ cũng hoan nghênh. Riêng trường hợp diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc là Lục Tiểu Linh Đồng bày tỏ ý muốn làm Đại sứ DLVN tại Trung Quốc trước khi xảy ra việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển đặc quyền của Việt Nam. Việc này tạm dừng lại khi Trung Quốc và Việt Nam đang căng thẳng vấn đề trên biển Đông.
Trong 5 gương mặt ứng cử Đại sứ DLVN, mỗi người có những điểm mạnh riêng, khi có Quy chế chính thức sẽ có hội đồng xét tuyển và trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm. Vấn đề gây chú ý trong bản quy chế sửa đổi lần này là ở mục 6, điều 3, chương I quy định không giới hạn số lượng Đại sứ DLVN. Theo đó, danh hiệu này sẽ gồm: Đại sứ DLVN (không hạn chế phạm vi hoạt động) và Đại sứ DLVN tại quốc gia/địa bàn/thị trường du lịch cụ thể. Như vậy là trong một nhiệm kỳ sẽ có nhiều cá nhân là Đại sứ DLVN. Đây là vấn đề mà trong cuộc gặp báo chí để lấy ý kiến về việc bổ nhiệm Đại sứ DLVN, nhiều nhà báo đã chất vấn lãnh đạo Bộ. Liệu nhiều người cùng giữ chức danh Đại sứ như thế thì có còn giữ nguyên được ý nghĩa của hai từ Đại sứ? Lâu nay chức danh Đại sứ thường chỉ trao cho một người. Một cô hoa hậu có thể được bổ nhiệm làm Đại sứ hòa bình, Đại sứ thiện chí, Đại sứ môi trường..., khi đó họ sẽ là gương mặt đại diện để tuyên truyền, quảng bá hoạt động trên phạm vi quốc gia hay quốc tế về lĩnh vực đó.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết, theo quan điểm của lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, nếu chúng ta tìm được nhiều cá nhân xuất sắc, thật sự có nhiệt tâm với văn hóa và du lịch Việt Nam thì tại sao lại phải hạn chế số lượng? Bởi tình trạng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam đang sụt giảm vào tháng 5/2014, việc tạo ra sức hút mới để vực dậy ngành du lịch là hết sức cần thiết. Đại sứ DLVN là người có uy tín, được xã hội thừa nhận. Mỗi địa bàn cần sự quảng bá khác nhau nên cần nhiều Đại sứ du lịch. Cứ theo cách lý giải này thì có thể Việt Nam sẽ “bội thực” Đại sứ du lịch. Nhưng ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH,TT&DL trấn an: 5 từ “không hạn chế số lượng” chỉ là câu chữ, thực tế để tìm được ứng cử viên xứng đáng với danh hiệu này không dễ chút nào.
Vậy là giữa văn bản và tính khả thi của văn bản còn có sự chênh vênh. Đặt giả thiết, nếu như 56 vùng lãnh thổ của dân tộc Việt Nam và các vùng lãnh thổ trên thế giới, địa bàn nào cũng cần người am hiểu, có trình độ văn hoá và ngoại ngữ để quảng bá hình ảnh Việt Nam và giả sử con số ứng cử viên không phải là 5 mà là hàng chục thì sẽ chọn lựa ra sao? Tất cả các tổ chức khác mỗi nhiệm kỳ đều có quy định số lượng cụ thể, tại sao Đại sứ DLVN lại “không hạn chế số lượng”? Liệu rằng, có thể với quy chế này, có năm sẽ “vỡ trận” vì số lượng người ứng cử Đại sứ DLVN?
Lan Hương