Hà Nội

Không gian mới cho dòng phim chính luận Việt

29-07-2012 07:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xen giữa các dòng phim khác nhau: giải trí đơn thuần, chính luận khô khan và tình cảm sướt mướt hay võ công điệu nghệ, Những công dân tập thể đang thắp lên tia hy vọng về một hướng đi mới của phim truyền hình trong thời gian gần đây.

(SKDS) -  Xen giữa các dòng phim khác nhau: giải trí đơn thuần, chính luận khô khan và tình cảm sướt mướt hay võ công điệu nghệ, Những công dân tập thể đang thắp lên tia hy vọng về một hướng đi mới của phim truyền hình trong thời gian gần đây.

Những chuyện tưởng không có gì phải ầm ĩ

Chuyện phim diễn ra tại khu tập thể xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, nhưng chục năm trở lại đây đã thay đổi chóng mặt.

Một bà Lạng (do NSƯT Minh Hằng đóng) bán cháo lòng tiết canh buổi sáng và một ông Cân (do NSƯT Quốc Trị đóng) bán chân gà nướng từ trưa đến tận đêm khuya luôn sẵn sàng “chiến đấu” vì đôi ba đồng lợi nhuận kiếm được của hai người sống với nhau theo kiểu già vợ chồng, non người dưng này. Chưa hết, họ còn tìm cách ly hôn với lý do bà Lạng mới tậu được một “phi công trẻ” để đảm đương “nhiệm vụ” cao cả là lái “máy bay bà già”. Tất cả đều nhầm, đấy chỉ là một cuộc ly hôn giả, cốt để chia đôi căn hộ tập thể.

Rồi đến câu chuyện ở tuổi xế chiều của bà bác sĩ Nha (do NSND Lan Hương đóng) và ông nhà văn Ngô (do NSND Trung Anh đóng). Cả hai đều là những trí thức nên họ cứ “dủ dỉ dù dì”. Người cần quan tâm đến sức khỏe thể chất đã có bác sĩ Nha. Người cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần đã có nhà văn già Ngô. Cứ thế, “mưa dầm thấm lâu”, chẳng biết họ mến nhau từ lúc nào. Con gái bà Nha kiên quyết phản đối mối quan hệ ấy của mẹ. Con trai ông Ngô ngày càng trở nên hư hỏng vì bố chẳng quan tâm gì đến gia đình. Vậy mà, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau. Nhưng chính tình cảm chân thành giữa hai người và sự quyết tâm đến với nhau của họ đã làm cho Hằng, con gái bà Nha bớt ích kỷ và Khôi, con trai ông Ngô cũng bớt hư hỏng.

Ở khu chung cư ấy, còn một bà hàng xóm khác cũng “đáo để” ra trò. Bà ta có một căn hộ chừng 10m2 mà có tới 4 người sống chui rúc trong đấy gần hết cả cuộc đời. Bà tìm mọi cách để cơi nới, đeo cho nó một cái “ba lô” cực khủng, vì bà ta bắt thóp được ông tổ trưởng (do NSƯT Quốc Trọng đóng) cũng chăng dây, quây sân tập thể để trông giữ xe đạp xe máy kiếm thêm mấy đồng. Sau nhiều lần tự dàn xếp có vẻ như bất thành, nhưng cuối cùng bà ta vẫn thực hiện được mục đích là cơi nới thêm diện tích nhà và ông tổ trưởng vẫn có chỗ trông xe.

Nổi lên trên tất cả là câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ Dương (do Kiều Anh đóng) và Kỉnh (do Công Dũng đóng). Tiến sĩ khoa học Dương, một nữ trí thức xinh đẹp có bằng cấp, địa vị xã hội hẳn hoi. Kỉnh, cán bộ phòng tổ chức nhân sự của trường đại học giao thông. Hai người đã có với nhau một đứa con trai kháu khỉnh, thông minh lại được bà ngoại, bà giáo già (do NSND Như Quỳnh đóng) rất đỗi yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ cháu. Dương có một cậu em trai rất yêu quý chị gái và thương mẹ. Những tưởng một gia đình nhiều thế hệ ấm cúng, nền nếp như vậy sẽ là điều ước mơ của không ít người. Ai ngờ được bên trong cuộc sống đáng được ngưỡng mộ ấy còn có một cuộc sống khác đầy giông bão...

 Cảnh trong phim Những công dân tập thể.Ảnh: ĐLP

Làn gió mát thổi từ đây

 

Khác hẳn với sự khô khan thường thấy của phim chính luận xưa nay trên phần lớn màn ảnh phía Bắc, cũng không giống với dòng phim thuần túy giải trí hay tình cảm sướt mướt trên màn ảnh phía Nam, Những công dân tập thể là cái gạch nối giữa các dòng phim trên, mặc dù nó vẫn được nhiều người xếp vào dòng phim chính luận.

Phía sau những câu chuyện đời thường gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người dân phố thị trong thời kỳ nhá nhem chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường, là những mảnh đời đan xen giữa hai gam bi hài, để rồi sau những tiếng cười sảng khoái ấy là sự quặn đau đến nhói lòng vì những vấn đề đặt ra từ chính những mảnh đời ấy. Vì sao vợ chồng bà Lạng với ông Cân lại phải sống như những màn kịch giữa đời thường? Vì sao đã ở vào cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, vui đùa với con cháu mà bà bác sĩ Nha và ông nhà văn Ngô lại vẫn còn đem lòng yêu thương nhau như tuổi xuân thì? Dường như họ đang tìm lại tuổi thanh xuân đã mất cho cuộc mưu sinh chốn phồn hoa đô hội này! Rồi cái ông tổ tưởng vì sao chẳng lo làm “công bộc” của dân, lại lo đi chăng dây chiếm dụng sân chung của tập thể? Vì sao một tổ ấm gia đình có vẻ như “trong ấm ngoài êm” ấy lại chất chứa trong lòng nó những đợt sóng ngầm chực hất tung cái tổ ấm ấy lên thành mây khói? Và nó chỉ có thể được giữ lại nhờ vào tình mẫu tử, như ngọn lửa âm ỉ trong lòng nữ trí thức trẻ xinh đẹp Dương khiến cô trở nên vị tha và nhân văn hơn.

Tất cả những điều ấy khiến những ai đã một thời cuộc sống ở các chung cư trước đây cũng như hôm nay phải nghĩ suy và soi lại chính mình. Có lẽ điểm sáng của Những công dân tập thể được dồn vào các cảnh sinh hoạt, làm ăn của thế hệ 8x, 9x. Cũng phải thôi, vì dưới con mắt của nhiều người, họ là những kẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa vấp ngã, chưa phải trả giá thì đối với họ cuộc sống luôn đầy ắp màu hồng.         

Đánh giá về bộ phim này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, VFC cho biết: “Chúng tôi sử dụng cách làm phim mới để kể lại một câu chuyện giản dị vẫn diễn ra trong đời sống hàng ngày. Khối lượng nhân vật đông đảo nhưng kết nối nhuần nhuyễn, đi vào những góc khuất, không chỉ phản ánh đời sống của tầng lớp trung niên mà cả thế hệ thanh niên 9x, 8x”.

Quả thực đây là bộ phim đáng xem, đáng để cho chúng ta suy ngẫm ở cả hai khía cạnh: chuyện người, chuyện đời và một hướng đi mới cho dòng phim chính luận truyền hình trong một tương lai gần, ngõ hầu hút khán giả về với màn ảnh nhỏ phim Việt. 

Hoài Hương


Ý kiến của bạn
Tags: