Sự việc bé gái tử vong do học thắt cổ theo clip trên YouTube đã đánh động về sự an toàn của trẻ liên quan đến các nội dung trẻ xem trên mạng xã hội, facebook, tiktok… Theo chia sẻ của người nhà bé, trong khi bố mẹ đi làm, cháu ở nhà với ông bà ngoại. Bé đã học theo trò chơi trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Đến bệnh viện, bé đã lâm vào tình trạng nguy kịch. Đội ngũ các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, nhưng bé ngưng thở, chết não, ngưng tim sau 4 giờ cấp cứu.
Mới đây, trung tâm y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã cấp cứu gắp dị vật là một chiếc bấm móng tay trong dạ dày của bệnh nhi 9 tuổi. Qua thăm khám và nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện dị vật là một chiếc bấm móng tay có kích thước 60x16mm, nằm tại vị trí phình vị lẫn thức ăn, gây tổn thương xước niêm mạc dạ dày. Ngay lập tức, kíp nội soi tiêu hóa đã tiến hành gắp dị vật kịp thời và thành công. Người nhà bệnh nhi cho biết, do bệnh nhi hay xem các video trên kênh YouTube nên đã bắt chước.
Trong thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giải trí đã mang lại một nguồn thu lớn cho nhiều đối tượng, kèm theo đó là sự xuất hiện các video, nội dung nhảm nhí, độc hại thậm chí nguy hại, nhằm thu hút người xem, lượt tương tác, nhằm trục lợi. Trong đó, trẻ em là đối tượng béo bở được hướng đến, vì đa phần các em chưa nhận thức được những nội dung này cũng như mặt trái của các nội dung thông tin chưa được sàng lọc, kiểm chứng.
Đồ cắt móng tay mà bệnh nhi đã nuốt, sau khi học theo hướng dẫn trên YouTube
Câu hỏi lớn cho các bậc phụ huynh
Khi cuộc sống ngày càng bận rộn, các bậc phụ huynh ngày càng giành ít hơn thời gian vui chơi cùng trẻ. Một chiêc máy tính bảng hay một chiếc điện thoại có nội dung đa dạng, nhiều màu sắc là giải pháp nhanh chóng và đơn giản để phân tán đi sự chú ý của trẻ em, nhằm giúp phụ huynh có thời gian thực hiện công việc cá nhân hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi hoặc tự giải trí với chiếc điện thoại của mình. Con của bạn đang xem gì trên điện thoại? Bạn có chắc rằng những nội dung con trẻ đang xem là an toàn và phù hợp?
Dưới đây là một số nội dung độc hại con bạn có thể vô tình lạc vào nếu không có sự kiểm soát đúng và phù hợp khi cho trẻ xem các nội dung trên mạng:
Nội dung bạo lực, kích động: “Giang hồ mạng”, các nội dung phản cảm như hút thuốc, máu me, đánh nhau, chửi thề nói tục… phổ biến trên nhiều trang mạng xã hội. Thậm chí các “anh cả” trong làng sản xuất video cũng xây dựng nhiều nội dung văng tục, kích động ở các trang video của họ.
Nội dung mang tính hăm dọa, nguy hại: Phổ biến trong các nội dung này là các video liên quan đến thử thách cá voi xanh, các video về heo peppa với hình ảnh máu me cùng lời hăm dọa hay chính nội dung từ các “YouTuber” hăm dọa sẽ bắt cóc trẻ, đánh đập… nếu trẻ không like, theo dõi kênh…
Các thí nghiệm, trò chơi nguy hiểm: Nhiều video chỉ từng bước thực hiện các quy trình đầy rủi ro như “Ngọn lửa trong chai”, núi lửa phun trào hay đun lon nước ngọt,... mà không kèm theo quy tắc an toàn phù hợp. Không những thế, còn có cả những video có tên là “video thất bại”ghi lại cảnh trẻ bị thương trong quá trình tự làm các thí nghiệm cũng được giới thiệu. Nhiều trò chơi nguy hiểm như nuốt đồ vật sắc nhọn, ép mạnh từ phía sau dẫn đến tim ngừng đập…, cũng vô cùng phổ biến và không thiếu những video, trong đó nhân vật chính là các trẻ nhỏ.
Video thí nghiệm là một trong những mối nguy hiểm với nhóm đối tượng trẻ em
Các nội dung sai lệch về đạo đức, văn hóa: Một mặt trái phổ biến khác là các nội dung hướng dẫn trẻ em làm các điều sai trái về văn hóa, đạo đức thậm chí nhiều hành vi vi phạm pháp luật cũng được sản xuất và đăng lên các trang chia sẻ. Một số nội dung có thể kể đến như video đổ nước mắm lên đầu mẹ khi đang gội đầu, đổ xô trứng gà từ trên nóc nhà xuống người khi mẹ đi làm đồng về, hay các video hướng dẫn đập trộm heo đất, hướng dẫn nói dối, ăn cắp…
Không thể phủ nhận trên Internet có những trang nội dung hữu ích, mang tính giáo dục cao. Thế nhưng, với trẻ nhỏ khi khả năng nhận thức, chọn lọc chưa hoàn thiện, thì việc giám sát theo dõi từ phụ huynh trong quá trình trẻ tiếp xúc với các nội dung trên mạng xã hội sẽ giúp bảo vệ trẻ tốt hơn; thay vì trông chờ vào việc “nghe lời” của trẻ hay sự chọn lọc từ các công cụ quản lý nội dung.
- Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ.
- Bật tính năng tìm kiếm an toàn trên trình duyệt.
- Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến.
- Che/tắt webcam khi không sử dụng.
- Tạo lập thói quen trực tuyến lành mạnh và an toàn.
- Khuyến khích trẻ nhỏ hoặc trẻ lứa tuổi vị thành niên tham gia vào việc xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh.
- Tạo lập các khoảng không gian và thời gian không-có-thiết-bị trong nhà (thời gian ăn, ngủ, chơi và học).
- Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ - một số họ có thể mang vỏ bọc khác.
- Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).
- Dành thời gian với trẻ trên mạng.
- Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng.
- Nói chuyện với trẻ về cách báo cáo những nội dung không phù hợp.