Hà Nội

Không giảm thuế nhập khẩu, xăng chịu thêm sức ép tăng giá?

05-05-2015 09:56 | Thời sự
google news

Với quyết định giữ nguyên thuế nhập khẩu xăng dầu, nhiều khả năng giá bán lẻ xăng sẽ tăng trước áp lực của thị trường thế giới.

Bộ Tài chính vừa công bố thông tư về thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 4/5, trong đó giữ nguyên thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng ở mức 20%. Với quyết định giữ nguyên thuế nhập khẩu này, nhiều khả năng giá bán lẻ xăng sẽ tăng trước áp lực của thị trường thế giới.

Theo Thông tư số 61/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Mặt hàng xăng RON92/95, xăng sinh học (E5,E10): giữ nguyên mức 20%. Mặt hàng dầu diezel, dầu diezel sinh học (B5, B10): giảm từ 20% xuống 12% (giảm 8%). Mặt hàng dầu hoả: giữ nguyên mức 20%. Mặt hàng dầu mazut: giảm từ 25% xuống 13% (giảm 12%). Mặt hàng nhiên liệu bay, xăng máy bay: giữ nguyên mức 10%.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặt hàng xăng đang chịu sức ép lớn về việc tăng giá. Bởi mới đây, Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore ngày 30/4 đã tăng lên mức 79,64 USD/thùng, dầu diezen là 77,45 USD/thùng, dầu hoả là 76.82 USD/thùng, và madut là 378,68 USD/tấn. So với ngày liền kề trước đó, giá xăng đã tăng 1,73 USD/thùng, dầu diezen tăng tới 1,42 USD/thùng.

Còn theo một số doanh nghiệp đầu mối, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng không được giảm, có thể doanh nghiệp chịu lỗ gần 3.000 đồng mỗi lít. Nếu tính cả mức sử dụng quỹ bình ổn hơn 990 đồng mỗi lít, con số lỗ còn hơn 2.000 đồng.

Bộ Công Thương cho biết, theo chu kỳ 15 ngày tại Nghị định 83, mức điều chỉnh giá xăng dầu rơi vào ngày 28/4 vừa qua, song do vào kỳ nghỉ lễ nên cơ quan điều hành đã quyết định lùi việc điều chỉnh giá. Hiện các phương án điều chỉnh giá xăng vẫn đang được cân nhắc.

Từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu đã có 4 lần điều chỉnh, trong đó 3 lần giảm và một lần tăng giá vào 11/3 với mức kỷ lục 1.600 đồng./.

 

 


Ý kiến của bạn