Chồng tôi thấy con phải dùng thuốc kéo dài, sợ có hại nên yêu cầu tôi phải ngừng thuốc. Tuy nhiên khi ngừng thuốc được mấy hôm thì cháu có triệu chứng bệnh trở lại. Xin cho biết tôi phải làm sao?
Trần Thị Hòa (Nghệ An)
Để có thể quản lý một em bé bị hen rất khó khăn nếu người nhà không thông suốt về biện pháp và thời gian điều trị. Trong thực tế lâm sàng, chúng tôi thường gặp các trường hợp điều trị thất bại đôi lần thì cha mẹ của bé mới thực sự nghiêm túc trong vấn đề tuân thủ điều trị. Bệnh hen không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát nếu áp dụng một cách khoa học 3 yếu tố: Kiểm soát môi trường, theo dõi chức năng phổi và sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc điều trị dự phòng và kiểm soát cơn hen là một yếu tố mà người chăm sóc trẻ rất dễ lơ là khi bệnh của trẻ có dấu hiệu giảm hoặc hết hẳn triệu chứng. Nhưng việc làm này sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm khi cơn hen bất ngờ đến.
Điều trị dự phòng mang lại lợi ích rõ ràng, giúp hạn chế số lần lên cơn hen, thậm chí người bệnh có thể không lên cơn hen nữa. Trong đó, thuốc fluticasone propionate là thuốc xịt dự phòng hen phải được dùng liên tục trong 3 tháng liền theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngưng thuốc hoặc quên dùng thuốc cho trẻ. Nên cho trẻ uống một ngụm nước hoặc súc họng (nếu trẻ đã biết súc miệng) sau khi xịt thuốc. Chỉ được giảm liều khi có chỉ định của bác sĩ sau khi khám lại cho bé.
Nếu không điều trị dự phòng hoặc không tuân thủ điều trị chặt chẽ thì bé có thể lên cơn hen cấp tính. Mỗi lần lên cơn hen cấp tính, bé có thể phải vào bệnh viện điều trị bằng thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm (corticosteroid như prednisolon hoặc solumedrol) từ 7 đến 10 ngày, như vậy lại có hại hơn cho bé rất nhiều. Không nên vì suy nghĩ dùng thuốc kéo dài sẽ có hại mà bỏ thuốc.
Ngoài ra, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, lông súc vật, thú nhồi bông. Không nuôi động vật trong nhà, tránh các loại hoa, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện viêm hô hấp. Cần rửa tay cho bé và người chăm sóc thường xuyên bằng xà phòng. Thay vỏ chăn, vỏ ga, vỏ gối; vệ sinh sàn nhà, đồ dùng trong phòng bé một tuần 2 lần để loại bỏ bụi bẩn. Vệ sinh máy lạnh 3-6 tháng/lần... Tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch hẹn. Khi trẻ chớm ho, sổ mũi cần báo cho bác sĩ biết để kịp thời can thiệp. Muốn thành công trong kiểm soát bệnh hen cho trẻ thì phụ huynh cần phải kiên trì và tuân thủ điều trị.
BS. Trần Văn Công