Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay, một số trang website, trang mạng xã hội đang sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc làm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Để thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng.
Hình ảnh BS. Vũ Thái Hà- Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương được trang mạng "lấy trộm" để quảng cáo cho bài viết về sản phẩm.
Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 20/12/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành Y tế thông báo đến toàn thể các nhân viên về tình trạng trên và rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời nếu có vi phạm quy định.
Hiện nay có tình trạng nhiều cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ… bị các phòng khám, cơ sở tư nhân mạo danh để thu hút bệnh nhân. Các bệnh viện đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin, khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, cảnh giác với những thông tin giả mạo để tránh những rủi ro đáng tiếc.