Không được đón giao thừa ở bệnh viện là thấy... nhớ

31-01-2014 22:57 | Thời sự

Với những người đã chọn ngành y, bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của họ, gắn với mọi sinh hoạt thường ngày. Đón giao thừa tại bệnh viện đã trở thành một “nếp” quen mà với nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng....

Với những người đã chọn ngành y, bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của họ, gắn với mọi sinh hoạt thường ngày. Đón giao thừa tại bệnh viện đã trở thành một “nếp” quen mà với nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng....

Không được đón giao thừa ở bệnh viện là thấy... nhớ

Với các bác sĩ, trực đêm giao thừa, trực dịp lễ Tết trở thành một nếp quen, như cơm ăn nước uống hàng ngày. Ảnh: T.Anh

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, người đã có thâm niên hơn 30 năm trong ngành y chia sẻ, 20 năm nay, chưa năm nào ông đón giao thừa tại nhà mà đều đón Tết tại bệnh viện. Cứ 9h tối ngày 30 là rời nhà, đến bệnh viện để chuẩn bị đón giao thừa cùng anh em đồng nghiệp trong buổi trực rồi chúc Tết, thăm hỏi động viên bệnh nhân.

TS Quyết chia sẻ, dù biết rất thiệt thòi cho gia đình, vợ con khi không có chồng ở thời khắc linh thiêng chuyển giao năm cũ - năm mới, nhưng mãi rồi cũng thành quen, đến mức không được đón giao thừa tại bệnh viện thì chắc chắn sẽ thấy nhơ nhớ, thiêu thiếu.

“Mãi rồi cũng thành quen, cứ sau bữa ăn tất niên chiều cuối năm, vợ chồng, con cái tề tựu, trà nước để rồi 9 -10h tối, vợ con lại chuẩn bị cho bố đi làm, để đến năm mới lại gặp mặt. Đón giao thừa bệnh viện đã trở thành một phần cuộc sống của những người đã lựa chọn nghề y”, TS Quyết tâm sự.

“Với những bác sĩ lần đầu tiên trực giao thừa, nhất là những bác sĩ trẻ, chắc chắn sẽ có một chút hụt hẫng nhưng tôi luôn động viên họ, đã lựa chọn nghề y thì phải biết hi sinh. Làm nghề y là nghề phải phục vụ, phục vụ cho người bệnh. Vì thế, với chúng tôi, đón giao thừa bệnh viện là điều hết sức bình thường. Cũng như các bạn làm nghề báo thì phải chấp nhận đi xa, dù có say xe, có nôn mửa cũng phải chấp nhận để hoàn thành nhiệm vụ”, TS Quyết trải lòng.

Một bác sĩ trẻ khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ, năm đầu tiên về khoa Nhi làm việc, anh đã đảm nhiệm vai trò trực đêm 30 Tết: “Đúng thời khắc giao thừa thì có bệnh nhân suy hô hấp cấp cứu vì viêm phổi. Khi cấp cứu xong cho bệnh nhân, đồng hồ đã điểm sang năm mới. Bỗng thấy cảm xúc dâng trào, thấy có gì đó thật vinh dự, cao cả, được chăm sóc người bệnh, được gia đình bệnh nhân gửi gắm, tin tưởng”.

Được chăm sóc người bệnh là niềm vui, hạnh phúc của những người mặc áo blu trắng. Ảnh: T.Anh

Được chăm sóc người bệnh là niềm vui, hạnh phúc của những người mặc áo blu trắng. Ảnh: T.Anh

Dù rất tự hào, vinh dự nhưng sau đêm giao thừa, trở về nhà khi đã mùng 1 Tết, cũng có một “trục trặc” nhỏ anh phải giải quyết. Cũng bởi cô vợ trẻ năm đầu về ăn Tết nhà chồng đã rất tủi thân khi đêm 30 đón giao thừa không có chồng bên cạnh. “Giờ thì vợ đã rất hiểu, chia sẻ với chồng. Năm nay, mình cũng trực đúng đêm 30 Tết. Rất yên lòng vì đã có “hậu phương” ủng hộ, có đồng nghiệp, bạn bè cùng sát cánh chăm sóc các bệnh nhân. Chỉ mong sao các em nhỏ luôn được mạnh khỏe, không bị ốm đau, bệnh tật”.

Với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cũng không ngoại lệ. Anh cũng đã nhiều lần anh đón giao thừa bệnh viện và luôn cảm thấy rất ấm áp bên cạnh bạn bè, đồng nghiệp, bên bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Dù so với “thâm niên” ăn Tết bệnh viện của các y bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân họa hoằn lắm mới phải đón Tết bệnh viện, nhưng các bác sĩ cũng rất hiểu, chia sẻ tâm trạng của những người bệnh phải ăn Tết bệnh viện.

“Có một người ốm, cả nhà đã rối bời, nhất là đặc thù khoa Cấp cứu, toàn bệnh nhân nặng nên nỗi lo lại càng nhiều hơn, không biết người nhà sống chết thế nào. Vì thế, năm nào khoa cũng tổ chức giao thừa cho cả người nhà bệnh nhân. Một bàn bánh kẹo nhỏ, để thân nhân người bệnh có thể ngồi với nhau, chia sẻ những khó khăn, vất vả. Những giây phút ấy thấy đầm ấm, thấy như được sống chậm lại để chia sẻ với người bệnh. Vì thế, với cá nhân tôi, trực ngày 30 Tết chưa bao giờ thấy buồn mà luôn mong chờ những giây phút đầm ấm với các đồng nghiệp, với bệnh nhân”, BS Cấp tâm sự.

Trong những ngày Tết, giao thừa bác sĩ trực tại các bệnh viện còn vất vả hơn ngày thường bởi số lượng người đi làm giảm nửa, trong khi bệnh nhân thì tăng lên, nhất là bệnh nhân tai nạn giao thông. Những ngày Tết là những ngày mổ “không kịp ngẩng mặt lên” của các bác sĩ BV Việt Đức. Không ít người, đứng mổ liên tục từ trước giao thừa, khi xong một ca cấp cứu đã là 2 - 3 giờ sáng của ngày mùng 1 Tết. Không kịp cụng ly chúc tụng một năm mới an lành, nhưng cứu sống được một người bệnh nguy kịch đã là một món quà, một sự an lành, niềm vui mà bất cứ người thầy thuốc nào cũng mong ước.

 

 


Ý kiến của bạn