Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen). Biển số đấu giá sẽ được đăng công khai trên cổng TTĐT quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng TTĐT Bộ Công an, trang TTĐT Cục CSGT…
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá. Người trúng đấu giá được cấp xác nhận; được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe của mình; Được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe.
Người trúng đấu giá nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Nếu quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá; Không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).
Dự thảo cũng nêu rõ, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá. Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.
Quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe: Được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe theo quy định; Không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: vùng 1 (gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh): 40 triệu đồng đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20 triệu đồng đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô để đấu giá là hết sức phức tạp do biển số là "tài sản công đặc thù", giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ "đẹp" theo sở thích của người tham gia đấu giá quyết định.
Thẩm tra liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, ủy ban nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy.
Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá đối với vùng 1 (TP. Hà Nội, TP. HCM) là 40 triệu đồng, đối với vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng, vì cho rằng mức giá khởi điểm này cơ bản phù hợp với thực tiễn thu nhập bình quân vùng 1, vùng 2.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến không đồng ý với điều này vì đưa ra giá khởi điểm vùng 1 và vùng 2 là thiếu căn cứ rõ ràng. Do đó, đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm, có thể là mức 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị mức giá khởi điểm 20 triệu đồng để đồng bào dân tộc thiểu số có thể tham gia đấu giá.