Mấy hôm nay, trời đổi gió lạnh hẳn. Chị Nhàn lại trở chứng hắt hơi, sổ mũi. Mỗi khi thay đổi thời tiết là bệnh lại làm khổ chị. Chị tự nhủ: Thôi đành nhờ cái anh triprolidine (pseudoephedrine) vậy. Anh chàng này chính là tôi, một loại thuốc kháng histamin dùng điều trị dị ứng, như viêm mũi dị ứng (bệnh dị ứng ảnh hưởng đến mũi họng do phấn hoa, bụi... gây nên), mề đay (vết ngứa, đỏ ngoài da). Triprolidine tôi còn dùng điều trị ho, cảm lạnh. Thỉnh thoảng còn được dùng điều trị phòng ngừa phản ứng dị ứng trong truyền máu và phòng ngừa dị ứng với thức ăn.
Ấy thế nhưng cũng xin cảnh báo với các bạn là tuyệt đối không dùng tôi cho những bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần thuốc, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, nội tiết hoặc đang dùng IMAO và 2 tuần sau khi dùng thuốc này cũng tuyệt đối không được dùng tôi đâu nhé.
Với một số trường hợp, bệnh nhân cũng thật thận trọng khi dùng tôi, nếu có thì phải hỏi ý kiến thầy thuốc. Chẳng hạn như bệnh nhân bị tăng nhãn áp góc hẹp, hẹp môn vị, phì đại tiền liệt tuyến, tiểu đường, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, cường giáp, suy gan, thận; phụ nữ có thai và cho con bú; trẻ dưới 6 tuổi. Bệnh nhân phải tránh uống rượu, lái xe và vận hành máy móc khi dùng thuốc.
Các bạn ạ, người ta cũng đã nhận được nhiều báo cáo về những phản ứng có hại sau khi dùng tôi như: khô miệng, buồn ngủ, rối loạn đồng vận, hạ huyết áp, nhức đầu, hồi hộp, nhịp tim nhanh, đau thượng vị, chán ăn, buồn nôn, nôn, tăng tiết dịch phế quản.
Cũng giống như các anh em thuốc khác, tôi cũng có một số tương tác thuốc mà các bạn cần lưu ý để tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra nhé. Tăng huyết áp khi dùng với thuốc giống giao cảm khác (chống trầm cảm 3 vòng, chống sung huyết, chống thèm ăn, kích thích tâm thần, IMAO). Đảo ngược một phần tác dụng thuốc trị tăng huyết áp.
Nhưng chớ vì thế mà các bạn bỏ qua tôi nhé. Các bạn chỉ cần dừng dùng thuốc và báo ngay cho thầy thuốc khi có những triệu chứng khác lạ là được tư vấn và xử lý kịp thời.