Bình thường trong dạ dày luôn cân bằng hai yếu tố, đó là acid clohydric (HCl- người ta hay gọi đây là yếu tố gây loét) và mucin (yếu tố bảo vệ). HCl nhiều chừng nào thì lượng mucin nhiều chừng ấy. Khi cán cân này bị lệch, yếu tố gây loét tiết ra nhiều mà yếu tố bảo vệ không tăng kịp sẽ gây viêm, loét dạ dày.
Omeprazol tôi hiện đang là một trong những thuốc chiếm ưu thế và có mặt trong công thức chữa trị bệnh này. Tác dụng chống loét dạ dày bằng cách ức chế sự bài tiết acid của dạ dày, do ức chế bơm proton (hệ enzym hydro-kali adenosin triphosphatase) có hồi phục ở tế bào viền của dạ dày. Chính tế bào viền (nằm ở thành của dạ dày) này tiết ra HCl, nguyên nhân gây loét. Tuy nhiên, trước khi dùng tôi các bạn cần phải loại trừ khả năng người bệnh bị u ác tính vì tôi có thể che lấp các triệu chứng làm muộn chẩn đoán khối u ở những người bệnh này.
Trong điều trị loét không được dùng tôi đơn độc, vì omeprazol tôi chỉ là một trong các thuốc trong trị liệu với công thức 2 hoặc 3 thuốc (đó là ức chế bơm proton, kháng sinh, thuốc chống acid). Các bạn cần dùng thuốc tuân theo chỉ định của bác sĩ về sự phối hợp thuốc này, tuân thủ liều dùng, thời gian dùng thuốc và tái khám đúng hẹn, chớ thấy bệnh thuyên giảm mà bỏ thuốc, bệnh sẽ không khỏi đâu. Để liền sẹo lâu dài và tránh loét tái phát, các bạn cần phải loại trừ hoàn toàn vi khuẩn H.pylori và giảm hoặc ngừng dùng thuốc chống viêm không steroid (vì thuốc chống viêm không steroid sẽ ức chế sự tổng hợp prostaglandin cần cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày).
Cũng như các anh em thuốc khác, một phần không thể không đề cập ở đây là các tác dụng không mong muốn của tôi có thể gây ra cho các bạn trong quá trình sử dụng. Thường gặp ở đường tiêu hóa là các biểu hiện như nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, táo bón, chướng bụng. Ngoài ra, các bạn có thể bị mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, mệt mỏi hay nổimày đay, ngứa, lú lẫn (có hồi phục khi ngừng thuốc) và có thể có hiện tượng vú to ở đàn ông khi điều trị dài ngày... Khi gặp một trong các biểu hiện trên, các bạn cần phải thông báo cho thầy thuốc biết nhé. Thầy thuốc sẽ là người xử trí thích hợp cho các bạn.
DS. Nguyễn Thị An