Những vitamin tan trong dầu được hấp thu qua ruột cùng với các lipid khi ta dùng thức ăn, sau đó được dự trữ ở gan, cung cấp cho cơ thể dần dần. Tôi có nhiều trong mầm hạt (mầm lúa mì, mầm hạt ngô, hạt hướng dương), trong rau diếp, đậu tương, dầu bông, các sản phẩm bột, sữa, thịt, trứng, cà rốt, cà chua...
Tôi có liên quan đến bảo quản và hấp thu vitamin A. Người ta dùng tôi để bảo quản caroten và vitamin A. Khi có tôi thì sự hấp thu vitamin A qua ruột tăng. Tôi bảo vệ vitamin A khỏi bị biến hóa do ôxy hóa, làm cho nồng độ vitamin A trong tế bào tăng lên, đồng thời tôi cũng bảo vệ chống lại tác dụng do thừa vitamin A.
Ngoài ra, tôi còn có tác dụng hợp đồng làm thuốc chống ôxy hóa phối hợp với caroten, vitamin C và selen. Tùy theo bệnh như thiếu máu do tan máu, xơ tụy, tắc mật, hạ cholesterol máu, thầy thuốc sẽ chỉ định cho từng bệnh nhân liều dùng thích hợp.
Khi cơ thể thiếu vitamin E, biểu hiện rõ nhất về cơ và thần kinh, giảm phản xạ, dáng đi bất thường, liệt cơ mặt. Nguyên nhân thường do thức ăn bổ sung thiếu vitamin E, do cơ thể giảm hấp thu, xơ gan, tắc mật, cắt đoạn dạ dày, ruột. Ngược lại, nếu dùng quá liều sẽ gây chứng thừa vitamin E (dùng liều cao trên 300UI/ngày) gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn thị giác, nếu dùng liều cao hơn nữa sẽ ức chế sinh dục, tổn thương chức năng thận.
Các bạn cần lưu ý, vitamin E tôi có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, warfarin hoặc các thuốc loãng máu, tôi cũng có thể làm tăng tác dụng ngăn cản sự ngưng kết tiểu cầu của asprin. Vitamin E tôi đối kháng với tác dụng của vitamin K, nên làm tăng thời gian đông máu. Nồng độ vitamin E thấp ở người bị kém hấp thu do thuốc (như kém hấp thu khi dùng cholestyramin).
Và cuối cùng, các bạn nên nhớ là không dùng tôi cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Nguyễn Hải