Thuốc valproate thường được sử dụng cho những trường hợp mắc cơn động kinh co giật toàn bộ, động kinh cục bộ, cơn mất trương lực, động kinh cơn vắng, cơn rung giật cơ, hưng cảm cấp. Trước đây, vào năm 2015, MHRA đã cảnh báo các bác sĩ không kê toa thuốc có chứa valproate cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trừ khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả hoặc không dung nạp. Đến năm 2016, MHRA tiếp tục phát hành thêm các tài liệu truyền thông về nguy cơ này. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ về các nguy cơ tiềm ẩn, khiến số trẻ sinh ra mắc các dị tật bẩm sinh do thuốc cao hơn nhiều so với các nguyên nhân khác. Cụ thể, valproate có khả năng gây dị tật bẩm sinh ở 10 trong mỗi 100 em bé so với tỷ lệ nền từ 2 đến 3 trong 100 trẻ sơ sinh, tỷ lệ gây rối loạn phát triển thần kinh cũng rất cao, ở khoảng 30-40 trong mỗi 100 trẻ em sinh ra khi các bà mẹ dùng thuốc này để chữa bệnh.
Trước thực tế và những nỗ lực đã thực hiện nhưng chưa đem lại hiệu quả, MHRA đã đưa ra quyết định về việc chống chỉ định valproate cho phụ nữ tuổi sinh đẻ trừ khi các điều kiện của Chương trình phòng ngừa thai được đáp ứng như loại trừ việc mang thai trước khi dùng thuốc, sử dụng thuốc tránh thai có tác dụng kéo dài…
MHRA cũng khuyến cáo, nếu một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ báo cáo khả năng mang thai trong khi dùng thuốc valproate thì họ cần gặp bác sĩ điều trị ngay để được theo dõi khẩn cấp và có biện pháp xử trí thích hợp.