Hà Nội

Không dừng sản xuất ngay cả khi nhà máy có F0

21-09-2021 20:42 | Thị trường
google news

SKĐS - Bình Dương xây dựng kịch bản tái sản xuất, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi phục hồi sản xuất, nhưng không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy.

Bình Dương xây dựng kịch bản tái sản xuất 

Không dừng sản xuất ngay cả khi nhà máy có FO - Ảnh 1.

Bình Dương xây dựng kịch bản tái sản xuất, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi phục hồi sản xuất


Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bình Dương đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Bình Dương đã nỗ lực để bảo vệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" để có thể tiếp tục sản xuất. Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương thêm mô hình hoạt động "3 xanh" (nhà máy, công nhân và nhà trọ). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", "3 xanh" cho 264.621 lao động.

Song song với việc xét nghiệm, truy vết, rà soát, bóc tách F0, đảm bảo hoạt động sản xuất, Bình Dương triển khai tiêm vaccine diện rộng cho tất cả người lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. 

Tính đến nay, Bình Dương đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho 133.995 người lao động và tổ chức tiêm 150.673 liều vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động trong hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu; các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Ngoài việc tổ chức mô hình hoạt động mới "3 xanh", Bình Dương đã triển khai mô hình " 3 tại chỗ linh hoạt". Hai mô hình mới này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí duy trì chuỗi cung ứng sau thời gian dài giãn cách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn, góp phần giải quyết được việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Không ngừng sản xuất dù có F0

Không dừng sản xuất ngay cả khi nhà máy có FO - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý không cứng nhắc đóng cửa toàn bộ nhà máy khi có F0


Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, các DN thực hiện tổ chức sản xuất trở lại trong trạng thái "bình thường mới" phải là DN xanh, không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly. DN tổ chức sản xuất trở lại phải tiến hành sàng lọc bảo đảm an toàn COVID-19 một cách triệt để, thực hiện theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm, 100% người lao động (NLĐ) tham gia thuộc "vùng xanh". Các DN chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công thương phê duyệt.

Theo lộ trình, DN nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn. Việc nâng công suất và quy mô hoạt động phải tính toán phù hợp với đặc điểm của DN và diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Trong đó, ưu tiên việc trở lại làm việc trước hết cho người lao động sống ở "vùng xanh" hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro nhiễm bệnh cao.

Doanh nghiệp hoạt động phải tự xét nghiệm sàng lọc (hoặc thuê đơn vị dịch vụ) để kiểm soát đầu vào, bảo đảm 100% người lao động qua xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 sau 14 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi. Trong quá trình sản xuất thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần (có thể thực hiện mẫu gộp hoặc mẫu đơn tùy thuộc kết quả xét nghiệm thực tế) cho những đối tượng nguy cơ cao, với mục tiêu là 20% tổng lao động, báo cáo kết quả xét nghiệm cho Sở Công thương, chính quyền địa phương.

Khi phát hiện có F0, DN chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp, không phải dừng toàn bộ nhà máy. Do đó, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động phải bố trí khu vực cách ly F0 tại nhà máy bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, có đội ngũ chăm sóc y tế, có tủ thuốc bảo đảm cơ số để phục vụ công tác điều trị ban đầu, khuyến khích các DN thực hiện tự cách ly, điều trị F0 nhẹ.

Trước đó, ngày 20/9, chủ trì hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, phục hồi sản xuất là điều mà các doanh nghiệp, các địa phương mong muốn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đảm bảo "tuyệt đối an toàn" khi sản xuất tại doanh nghiệp nghĩa là không để xảy ra ổ dịch lớn. Phó Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thầm trong lực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân.

"Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động", Phó Thủ tướng nói.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.




K.N
Ý kiến của bạn