1. Khi nào paracetamol có thể gây ngộ độc gan?
BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc) cho hay, paracetamol hay còn gọi là acetaminophen, là thành phần an toàn và lựa chọn đầu tay trong điều trị giảm đau, hạ sốt cho trẻ em. Như nhiều loại thuốc khác, paracetamol sẽ được chuyển hoá ở gan thành những chất không độc và thải qua thận.
Paracetamol được khuyến cáo dùng cho trẻ bị sốt trên 38,5 độ C. Liều điều trị là 10 – 15mg/kg/1 lần, mỗi 4 – 6 giờ, tối đa là 75mg/kg/ngày và không quá 4 gam/ngày, với trẻ sơ sinh (trẻ dưới 28 ngày tuổi) không quá 60 mg/kg/ngày.
BS. Nguyễn Hữu Thảo cho hay, khi dùng từ 10g với liều duy nhất ở người lớn và 150 mg/kg cân nặng trong 24h ở trẻ em (tùy theo khả năng nhạy cảm của bệnh nhân), hoặc trên trẻ có chức năng gan đang bị suy giảm mà phải dùng liều cao và liên tục thì mới có khả năng gây ngộ độc.
2. Không dùng N-acetylcysteine để phòng ngừa ngộ độc gan do paracetomol
N-acetylcysteine, một tiền chất của glutathione, làm giảm độc tính acetaminophen bằng cách tăng glutathione dự trữ ở gan và có thể thông qua các cơ chế khác.
N-acetylcysteine giúp ngăn ngừa nhiễm độc gan bằng cách bất hoạt chất chuyển hóa acetaminophen độc hại NAPQI (N-acetyl-p-benzoquinone imine) trước khi có thể làm tổn thương tế bào gan.
Với những thông tin như vậy, nhiều người cho rằng, có thể uống N-acetylcysteine để dự phòng ngộ độc gan do paracetamol. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Hữu Thảo cho hay, N-acetylcysteine không cứu được các tế bào gan đã bị tổn thương.
BS. Nguyễn Hữu Thảo khẳng định, cho tới nay chưa có khuyến cáo nào về dùng đồng thời N-acetylcystein và paracetamol để giảm tác dụng phụ gây tổn thương gan của paracetamol.
Chỉ dùng N-acetylcysteine khi đã bị ngộ độc gan do paracetamol. Ngoài ra, việc dùng N-acetylcystein để giải độc paracetamol rất phức tạp và được kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở y tế. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu ngộ độ paracetamol cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.
Lưu ý, N-acetylcystein chỉ sử dụng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Không sử dụng thuốc nhiều hơn và thường xuyên hơn so với hướng dẫn của bác sĩ. Do có thể làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, phát ban, sốt, nhức đầu, buồn ngủ, huyết áp thấp và các vấn đề về gan. Khi hít vào, N-acetylcysteine cũng có thể gây sưng trong miệng, chảy nước mũi, buồn ngủ, ngứa ngáy và thắt ngực.
Không những thế, BS. Nguyễn Hữu Thảo nhấn mạnh, N-acetylcystein (biệt dược như acemuc, exomuc...) là loại thuốc long đờm nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ bị hen phế quản hoặc tiền sử hen phế quản mà uống vào có thể sẽ khởi phát cơn hen. Đây là 1 trong các chống chỉ định của N-acetylcystein. Ngoài ra, thuốc này cũng không được khuyên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi trừ khi có đơn của bác sĩ.
3. Dùng paracetamol thế nào cho an toàn?
Để dùng paracetamol an toàn, hiệu quả, BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyến cáo:
- Uống paracetamol để giảm đau, hạ sốt đúng chỉ định.
- Không uống trước để phòng ngừa sốt.
- Không phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt với nhau.
- Với những người có vấn đề về chức năng gan, cần trao đổi với bác sĩ để được theo dõi và điều chỉnh liều phù hợp.
- Khi có các triệu chứng bất thường, cần báo với bác sĩ để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Điếc đột ngột do tắm đêm bằng nước lạnh.