Hà Nội

Không dùng kháng sinh để ngừa... kháng thuốc?

17-01-2014 08:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều tấn kháng sinh đã được sử dụng trong việc kiểm soát chăn nuôi gia súc, gia cầm ở châu Âu, xu hướng này đã vô tình khuyến khích cho sự gia tăng các loại vi khuẩn kháng thuốc.

Nhiều tấn kháng sinh đã được sử dụng trong việc kiểm soát chăn nuôi gia súc, gia cầm ở châu Âu, xu hướng này đã vô tình khuyến khích cho sự gia tăng các loại vi khuẩn kháng thuốc. Đan Mạch đã cho cả thế giới nhìn thấy nước này giúp nông dân từ bỏ việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi và thực tế đã mang lại hiệu quả như thế nào.

Trước khi Michael Nielsen đi vào khu chăn nuôi heo của mình, ông phải thay toàn bộ quần áo, giày, tất bằng đồ bảo hộ áo liền quần màu trắng, đi ủng cao su và dùng chất khử khuẩn làm sạch hai tay. Trong trang trại Copengahen, ông Nielsen đang nuôi khoảng 650 con lợn nái và ông đang có kế hoạch sẽ gia tăng đàn lợn này thành 850 con. Với mỗi con lợn nái sinh khoảng 30 con lợn con mỗi năm, chẳng mấy chốc lão nông Đan Mạch này sẽ làm chủ đàn lợn hơn 25.000 con. Ông Michael Nielsen cho biết, hàng ngày những con lợn này đều được kiểm tra kỹ, bởi vì ông muốn phòng ngừa tối đa khả năng bùng phát bệnh ở vật nuôi.

 	Ông Michael Nielsen.

Ông Michael Nielsen.

Ông Nielsen phải đều đặn báo cáo các hoạt động chăn nuôi của mình. Đan Mạch là quốc gia theo dõi việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp chặt chẽ hơn các quốc gia khác nhằm phản hồi những lo ngại về vi khuẩn kháng thuốc. Do vậy, họ chỉ được sử dụng kháng sinh chữa bệnh khi đàn gia súc bị bệnh tiêu chảy hoặc các nhiễm khuẩn khác.

Mỗi lần tiêm thuốc cho heo, ông Nielsen lại cẩn thận ghi chi tiết vào một cuốn sổ đăng ký do Chương trình Nghiên cứu và Giám sát kháng sinh tích hợp Đan Mạch (DANMAP) phân phối. Nếu việc sử dụng thuốc của ông Nielsen quá liều lượng cho phép, ông sẽ nhận một lá thư từ DANMAP, được gọi là “thẻ vàng” và phải nộp phạt. Nếu trong trường hợp xấu nhất, chính quyền sẽ buộc người chăn nuôi giảm bớt số lượng động vật nuôi trong trạng trại. Vì lý do này mà phần lớn cánh nông dân buộc phải làm mọi thứ tốt nhất theo quy định.

Một kỷ nguyên hậu kháng sinh

Mỗi lần sử dụng kháng sinh sẽ đồng thời tạo ra nhiều vi khuẩn có sức đề kháng di truyền với các tác nhân kháng sinh, cuối cùng sẽ tạo ra “những con rệp tử thần” siêu kháng thuốc, chúng có thể gây bệnh nhiễm khuẩn phổi cũng như đe dọa mạng sống con người. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm, hơn 40.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã thiệt mạng vì các chứng nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn đa kháng thuốc. Các chuyên gia dịch tễ học dự báo về một “kỷ nguyên hậu kháng sinh” đang tới. Các nhà khoa học tin rằng, để dẫn tới hậu quả này chính là vì sự bất cẩn của người nông dân trong việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

Các bác sĩ cũng cấp thuốc kháng sinh quá liều cho các bệnh nhân và các chuyên gia nói rằng lượng kháng sinh gấp 2 lần dùng cho động vật khỏe mạnh lại có thể gây bệnh cho con người. Bà Sally Davies - một quan chức y tế Anh, nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang đi sai đường. Các nhà dịch tễ học không cần phải chứng minh rằng dùng thuốc kháng sinh cho gia súc sẽ để lại mối hậu họa. Các bác sĩ thú y cần phải chứng minh tại sao chúng ta dùng nhiều loại kháng sinh”.

Đức tụt hậu sau các quốc gia khác

Cho mãi đến tháng 9/2012, các số liệu về việc sử dụng thuốc kháng sinh tại Đức mới chính thức được công bố. Theo số liệu của Văn phòng Liên bang Đức về Bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm (FOCPFS), vào năm 2011, các công ty dược tại Đức đã cung cấp cho các bác sĩ thú y tại nước này khoảng 1.734 tấn các loại thuốc kháng khuẩn. Trong thời gian đó, chỉ có khoảng 800 tấn thuốc kháng khuẩn được sử dụng cho con người. Trong tháng 10/2012, Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) đã công bố một nghiên cứu so sánh việc sử dụng thuốc kháng sinh trong y học thú y ở 25 quốc gia châu Âu. Sự khác biệt là đáng chú ý. Vào năm 2011, cánh nông dân nuôi gia súc ở Đức đã sử dụng trung bình 211mg những tác nhân kháng khuẩn trên mỗi kg “sinh khối điều trị”. Ngược lại, Đan Mạch chỉ sử dụng 43mg. Ông Thomas Blaha, một giáo sư về dịch tễ học tại Đại học y tế thú y Hanover (UVMH) thừa nhận: “Hiện tại, Đức tụt hậu hơn so với các quốc gia khác”.

Cốt lõi của cải cách

Các bác sĩ thú y của Đan Mạch không dùng các loại thuốc kháng sinh thế hệ thứ 3 và thứ 4 của fluoroquinolones và cephalosporin. Nhờ vào những biện pháp này mà nhu cầu dùng thuốc kháng sinh ở Đan Mạch chỉ vào khoảng 60%, ít hơn so với những năm 1990 và vẫn đang có kế hoạch cắt giảm hơn nữa. Hiện tại đang có một phương pháp xác định chính xác liệu dùng kháng sinh có cần thiết hay không. Nếu các tác nhân vi khuẩn được tìm thấy vượt quá mốc giới hạn thì mới ra các khuyến cáo về thuốc kháng sinh. Cốt lõi của cải cách này là một cơ sở dữ liệu nhằm ghi lại mỗi trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh từ phía các nông dân.

Nguyễn Thanh Hải

(Theo Der Spiegel, 15/11/2013)

 


Ý kiến của bạn