Hà Nội

Không dừng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở bệnh viện tư

15-12-2017 08:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước thông tin lo ngại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ ngừng ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với các bệnh viện tư,

đại diện BHXH Việt Nam đã lên tiếng khẳng định không chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố dừng thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) với các cơ sở y tế tư nhân.

Giải thích về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Trong Công văn 5163/BHXH-CSYT, ngày 17/11/2017, gửi BHXH các tỉnh, thành phố hướng dẫn về ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2018, BHXH Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở y tế tư nhân bổ sung các văn bản còn thiếu theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế - Tài chính.

Cụ thể, các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục ký hợp đồng KCB BHYT trong năm 2018 phải có thêm Quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, không dừng KCB BHYT ở các bệnh viện tư.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, không dừng KCB BHYT ở các bệnh viện tư.

Ông Lê Văn Phúc khẳng định, theo quy định của Luật BHYT, để cơ quan BHXH ký hợp đồng và thanh toán chi phí KCB BHYT thì cơ sở y tế phải được phân hạng để xác định mức giá thanh toán và tuyến chuyên môn kỹ thuật để làm căn cứ xác định mức hưởng BHYT của bệnh nhân khi KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu. Đối với cơ sở y tế, việc được xếp hạng và phân tuyến còn là căn cứ pháp lý để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc và chuyển tuyến người bệnh. Các yêu cầu về ký hợp đồng KCB BHYT được cụ thể trong Thông tư liên tịch số 41/2014 của liên bộ Y tế - Tài chính.

Tại Khoản 2, Điều 7 của Thông tư này đã nêu rõ: Các cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT phải có Quyết định phân hạng bệnh viện của cấp có thẩm quyền (nếu có); đối với cơ sở KCB ngoài công lập phải có quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền.

Ông Lê Văn Phúc cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là do Bộ Y tế vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các bệnh viện tư nhân. Việc chậm ban hành đã gây khó khăn vướng mắc cho cơ quan bảo hiểm xã hội và các bệnh viện tư nhân trong việc xác định mức giá thanh toán và mức hưởng  cho người bệnh khám bảo hiểm y tế.

“Cùng quy mô bệnh viện như nhau nhưng có địa phương thì áp mức giá tương đương hạng 3 và tạm phân tuyến huyện, có địa phương lại áp mức giá tương đương hạng 2 và tạm phân tuyến tỉnh. Đặc biệt, khi áp dụng quy định KCB thông tuyến huyện đã xảy ra tình trạng các bệnh viện tư nhân được tạm xếp tương đương bệnh viện công lập hạng 2, tuyến tỉnh lại xin xuống hạng 3, tuyến huyện” - ông Phúc nói.

Tại hội nghị mới đây, đại diện nhiều bệnh viện tư nhân cũng cho rằng, 20 năm qua thực hiện xã hội hóa y tế với việc nhiều cơ sở y tế tư nhân ra đời nhưng vẫn chưa có quy định xếp hạng bệnh viện rất khó khăn trong hoạt động, vì theo quy định, giá dịch vụ tế được quy định theo hạng bệnh viện. Do chưa có quy định về tiêu chí và xếp hạng bệnh viện cho các bệnh viện ngoài công lập, nên đã dẫn đến vướng mắc trong việc áp giá thanh toán, xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 166 bệnh viện tư nhân, trong tuần qua, lãnh đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng đại diện Bộ Tư pháp đã có hai cuộc họp liên quan đến phân hạng bệnh viện tư nhân, cũng như thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bàn giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, việc thẩm định ký hợp đồng KCB BHYT với các bệnh viện tư nhân vẫn tạm thực hiện theo quy định phân tuyến kỹ thuật.


Thái Bình
Ý kiến của bạn