Liên quan đến chu kỳ công bố giá cơ sở và điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kì 15 ngày sắp tới (tính từ ngày 13/4 là lần điều chỉnh giá gần nhất), chiều 27/4, tại cuộc họp báo thường kì của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, theo thông tư của liên Bộ Tài chính - Công Thương, sau ngày thứ 15 của chu kì điều hành, liên Bộ sẽ công bố giá và phương án điều chỉnh giá. Nếu ngày điều chỉnh giá trùng vào ngày nghỉ, trong ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ sẽ là ngày công bố giá cơ sở và điều chỉnh giá xăng dầu.
Như vậy, tính từ ngày 13/4 là lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất, theo chu kỳ tiếp theo, đến 29/4 sẽ là ngày liên Bộ Tài chính - Công Thương công bố giá cơ sở và điều chỉnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, ngày công bố và điều chỉnh giá lại trùng vào đợt nghỉ lễ kéo dài 6 ngày. Do vậy “chúng tôi sẽ công bố giá cơ sở vào ngày 4/5 sau kì nghỉ lễ”, ông Quyền khẳng định.
Ông Quyền cũng cho biết thêm, gần đây giá xăng dầu thế giới (đặc biệt từ sau tháng 2) có diễn biến cực kỳ phức tạp. Đặc biệt trong những ngày vừa qua, giá dầu đã tăng cao, có lúc giá dầu đã tăng tới trên 4 USD/thùng.
“Việc giá dầu thế giới tăng liên tục sẽ dẫn đến giá xăng dầu cơ sở chịu nhiều tác động. Liên bộ vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ để tính toán và trao đổi với liên bộ, từ đó có phương án điều hành hợp lý theo đúng tinh thần của Nghị định 83 của Chính phủ”, ông Quyền chỉ rõ.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho hay, hiện quỹ bình ổn giá (BOG) đang được trích lập sử dụng bù cho giá xăng gần 1.000 đồng/lít, sắp tới việc sử dụng quỹ BOG, thuế và phí vẫn phải tuân chỉ linh hoạt theo nguyên tắc có tăng có giảm, bám sát giá thế giới nhưng cố gắng điều chỉnh phù hợp, tránh tăng giảm “sốc” và đặc biệt phải có tính toán đến các yếu tố về sản xuất, kinh tế, lạm phát…
Trao đổi về việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu áp dụng từ ngày 1/5/2015 trùng với ngày giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, liên bộ sẽ xử lý như thế nào đối với khoản chênh lệch thuế theo quy định 30 ngày dự trữ, ông Quyền cho biết, việc này đã được liên bộ công bố công khai, có tham vấn của Hiệp hội xăng dầu, các doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu đều nhận được sự chia sẻ và đồng thuận.
Theo đó, trên quan điểm Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ, trong chu kỳ dự trữ lưu thông 30 ngày lẽ ra doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn mức thuế môi trường, tuy nhiên do 15 ngày đầu doanh nghiệp đã phải bán xăng dầu vào phần của 15 ngày tiếp theo nên doanh nghiệp chỉ phải chịu thuế môi trường 35% trong 15 ngày đầu, mức thuế 35% này sẽ được giảm tương ứng trong 15 ngày tiếp theo để đảm bảo phù hợp đúng với thời điểm giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Liên quan đến ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải chuyển dần thị trường xăng dầu sang vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh, ông Quyền cho biết, lộ trình của nền kinh tế vẫn đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, hiện nay chúng ta đang tiến đến môi trường cạnh tranh.
“Nghị định 83 đang thiết lập các điều kiện để dẫn đến thị trường xăng dầu cạnh tranh, khi thị trường có nhiều thị phần có khả năng tham gia cạnh tranh thực sự, khi đó Nhà nước sẽ không phải quản lý giá, giá xăng dầu sẽ do thị trường tự quyết định. Tuy nhiên hiện nay, do tính chất của mặt hàng nhạy cảm và đang trong thời kì quá độ tiến tới thị trường cạnh tranh buộc vẫn phải có sự quản lý và kiểm soát giá của Nhà nước”, ông Quyền bày tỏ.
Chia sẽ thêm về điều này, ông Quyền cho biết, mặc dù nhà nước kiểm soát tiến trình điều hành giá xăng dầu nhưng vẫn có cơ sở cho lộ trình, hình thành thị trường xăng dầu theo cơ chế cạnh tranh. Theo quy định, nhà nước đang từng bước tập dượt cho các doanh nghiệp làm quen với những cơ chế tự chủ ở những mức độ nhất định./.