Hà Nội

Không để Việt Nam thành bãi rác thải,...

13-08-2018 11:58 | Pháp luật
google news

SKĐS - Việt Nam đang có nguy cơ trở thành điểm tập kết rác thải công nghiệp của thế giới. Đây là nhận định cũng như lo lắng của nhiều chuyên gia, khi thời gian gần đây, việc nhập khẩu phế liệu đang ở mức đáng báo động. Trong vòng 6 tháng qua, gần 21.000 tấn phế liệu về Việt Nam mỗi ngày.

Hàng nghìn container phế liệu đang tồn ở các cảng

Hơn 3 nghìn container  phế liệu chứa nhựa, giấy, máy móc… đang tồn đọng tại Cảng Cát Lái - TP. Hồ Chí Minh. 1/3 trong số đó đã nhập về trên 90 ngày nhưng chưa có doanh nghiệp nào đến làm thủ tục thông quan. Thực trạng này khiến cảng Cát Lái bị ảnh hưởng, gây khó cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Theo đại diện Chi cục Hải quan Cảng Cát Lái - TP. Hồ Chí Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam và trong thời gian tới nếu doanh nghiệp không đến làm thủ tục thông quan cho những lô hàng trên, đơn vị sẽ xử lý theo pháp luật.

Trong các quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất, nổi bật là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc với các mặt hàng chủ yếu như nhựa, giấy, sắt thép. Mỗi tháng, trung bình người Việt bỏ ra khoảng 97,7 triệu USD để nhập khẩu phế liệu từ 3 nước này. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng 2 lần so với năm 2016. Trong nửa đầu năm 2018, cả nước đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại. Và hiện nay, phế liệu tồn đọng tại Tân cảng Sài Gòn là hơn 4.000 container, tại cảng Hải Phòng còn tồn hơn 1.400 container, trong đó 1.342 container phế liệu nhựa. Đặc biệt có nhiều container vô  chủ, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng cũng như gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thực tế, phế liệu vào Việt Nam, có loại sử dụng được, có loại không sử dụng được. Nhưng nhìn chung với thực trạng phế liệu nhập khẩu như hiện nay, người dân rất lo lắng vấn đề bị ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi thủ tục nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam còn nhiều kẽ hở khiến cho doanh nghiệp lợi dụng.

Hàng ngàn container phế liệu đang tồn ở các cảng Việt Nam.

Hàng ngàn container phế liệu đang tồn ở các cảng Việt Nam.

Làm sao hạn chế  được phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam?

Một trong những nguyên nhân khiến lượng phế liệu tồn đọng lớn tại khu vực Cảng biển Việt Nam là do từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều loại phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa và giấy, do vậy, lượng phế liệu này đi về một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Dự báo phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ  tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Và hiện nay, các cơ quan chức năng đang bàn thảo giải pháp xử lý số lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng.

Theo quy định, đối với hàng hóa phế liệu đã tồn đọng tại cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định (tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 58 của Luật Hải quan). Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, đối với hàng hóa khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa nhập khẩu để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Trước thực trạng phế liệu các loại đang nhập vào và tồn tại các cảng, các cơ quan quản lý cần  ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng. Đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ thì cần xử lý kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng, dồn ứ, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện nay.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh: TP. HCM, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu tại các cảng.

Đồng thời, tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TN-MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ TN-MT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.


Vũ Hải
Ý kiến của bạn