Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh

17-11-2023 10:18 | Y tế

SKĐS - Trong bối cảnh mưa lũ diễn biến phức tạp, ngập lụt nhiều nơi, các bệnh viện, trung tâm y tế ở Thừa Thiên Huế chủ động phương án đảm bảo nhân lực, thuốc men, máy móc để không làm ảnh hưởng tới hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Mưa lớn những ngày qua cùng với việc các hồ chứa điều tiết nước gây ngập lụt diện rộng tại nhiều địa phương của Thừa Thiên Huế. Mặc dù bị ảnh hưởng vì lý do khách quan, nhưng các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn duy trì hoạt động khám, chữa bệnh một cách bình thường.

Các bệnh nhân đang điều trị nội trú được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị ổn định, bảo đảm an toàn. Bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng phương án để tiếp nhận, cấp cứu, phẫu thuật cho những ca bệnh phức tạp trong mưa lũ.

Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 1.

Mưa lớn gây ngập lụt diện rộng ở Huế ngày 15/11.

Ngày 15/11, mưa lớn diện rộng trên toàn tỉnh, hầu hết các tuyến đường ở TP Huế bị nước lũ bủa vây. Tuy nhiên, hơn 100 bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone đã vượt lũ đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế) để nhận thuốc điều trị.

ThS.BS Lý Văn Sơn, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Methadone là thuốc điều trị đặc thù, bệnh nhân phải đến cơ sở điều trị để nhận hàng ngày và thường xuyên dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Nếu như gián đoạn thuốc sẽ dẫn đến những hành vi khó kiểm soát.

Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 2.

Người bệnh đến nhận thuốc Methadone điều trị tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS.

"Do mưa lũ, để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, Khoa phải linh hoạt chuyển phương án cấp thuốc từ lịch 2 buổi trong một ngày thành liên tục các giờ trong ngày. Từ ngày 14/11 đến nay, các bác sĩ và dược sĩ thay phiên nhau trực để cấp thuốc cho các bệnh nhân, nhiều người phải lội lũ, đi ghe tới để nhận thuốc. Tuy hơi vất vả nhưng phải cố gắng vì sức khỏe người dân", ThS.BS Lý Văn Sơn chia sẻ.

Tại huyện Quảng Điền, nhiều tuyến đường, nhà dân cũng bị mưa lũ bủa vây. Tuy nhiên theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, số lượng người dân tới thăm khám vẫn ổn định như ngày thường.

BS.CKII Nguyễn Phương Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho biết, riêng trong ngày 14/11, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho 141 bệnh nhân, trong đó có 44 người tới khám bệnh ngoại trú, còn lại nội trú. Điều may mắn không có ca bệnh nặng cần phải can thiệp hay chuyển tuyến. Hầu hết những trường hợp đến khám đều mắc các bệnh thông thường được bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị.

"Mặc dù mưa lũ nhưng không vì thế mà các hoạt động khám chữa bệnh bị ảnh hưởng. Các y bác sĩ trực làm nhiệm vụ, tuân thủ theo quy định và chỉ đạo của Sở Y tế", BS.CKII Nguyễn Phương Tuấn nói.

Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 3.
Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 4.

Mưa lũ gây ngập lụt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền ngày 15/11.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền cho hay, với phương châm 4 tại chỗ, đơn vị thành lập các tổ trực cấp cứu ngoại viện, tổ xung kích, tổ phẫu thuật…để túc trực, xử lý những tình huống bất ngờ trong thời điểm mưa lũ phức tạp. Khi tuyến dưới yêu cầu hỗ trợ các tổ sẽ thực hiện nhiệm vụ đã được phân công để về hỗ trợ, tất cả vì sức khỏe của người bệnh.

Trong khi đó, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong ngày 15/11 bị nước sông dâng cao khiến các dãy phòng tầng một bị ngập 0,5m do đó không thể sử dụng vào hoạt động chuyên môn. Các bệnh nhân điều trị nội trú cũng như đồ đạc, sổ sách đều được chuyển lên tầng 2.

Lãnh đạo Bệnh viện Y học Cổ truyền Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù vì lý do khách quan có phần gây ảnh hưởng đến việc khám bệnh trong ngày, nhưng với những bệnh nhân điều trị nội trú đều được các y, bác sĩ của bệnh viện bố trí đảm bảo an toàn trong lũ.

Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 5.

Lũ rút, các y, bác sĩ tất bật quét dọn, rửa trôi bùn đất để đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh cho nhân dân.

"Việc ngập lụt tại bệnh viện thường xảy ra do điều kiện thời tiết. Các y, bác sĩ đều có phương án chủ động để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Sau khi lũ rút, mọi người lại chung tay xử lý môi trường, bùn đất trong toàn khuôn viên bệnh viện. Hiện nay đã hoàn thành và có thể đón tiếp bệnh nhân tới thăm khám trở lại bình thường", lãnh đạo Bệnh viện Y học Cổ truyền nói.

Tại 3 cơ sở của Bệnh viện Trung ương Huế trong các ngày 14-15/11 có tổng 2.945 trường hợp người dân đến khám, trong đó khám cấp cứu 246 trường hợp. Có 274 trường hợp được phẫu thuật, sinh con.

"Mặc dù những ngày qua xảy ra mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng các hoạt động khám, điều trị, phẫu thuật, cấp cứu ở bệnh viện diễn ra bình thường, không có ca bệnh nặng. Bệnh viện triển khai các thông tin phòng chống bão lũ qua nhóm cán bộ lãnh đạo một cách kịp thời", đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cho hay.

Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 6.

Ông Nguyễn Thanh Bình (giữa) cùng lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước những diễn biến của mưa lũ, gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai ứng phó với những diễn biến của mưa lũ. Trong đó, chỉ đạo ngành y tế rà soát, đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất cho công tác tiêu độc, khử khuẩn tại các chợ dân sinh, các khu vực dân cư bị ngập lụt... sau lũ xử lý môi tường ngay, không để dịch bệnh xảy ra.

Không để mưa lũ làm ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh- Ảnh 7.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về các vùng ngập lụt để thăm hỏi người dân, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.

Chăm lo đời sống cho người dân

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ chiều 16/11 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 13 - 16/11 trên địa bàn xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài gây ngập lụt nhiều nơi. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 600-1.100mm.

Đối với ngập úng, TP Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập nước. Ngày 16/11 nước trên triền sông đang xuống, mức ngập đang giảm dần. Tuyến đường QL1A qua địa bàn tỉnh bị ngập úng nhiều vị trí, các tuyến tỉnh lộ ngập sâu từ 0,4m-1m, một số nơi ngập sâu hơn 1,5m...

Thời gian tới, tỉnh tiếp rục theo dõi diễn biến thời tiết, điều tiết việc vận hành hồ đập hợp lý. "Sau lũ tỉnh sẽ có thống kê cụ thể để báo cáo với các Bộ, ngành Trung ương. Tỉnh cũng mong muốn được hỗ trợ thêm thiết bị để phòng chống lụt bão", ông Phương cho hay.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt, chia sẻ cùng gia đình có nạn nhân chết và mất tích do mưa lũ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao công tác ứng phó mưa lũ của tỉnh, đồng thời lưu ý về việc thực hiện tốt công điện 1095 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho người dân.

Mưa lũ xảy ra nhiều nơi: Bộ Y tế yêu cầu không để gián đoạn cấp cứu, điều trị Mưa lũ xảy ra nhiều nơi: Bộ Y tế yêu cầu không để gián đoạn cấp cứu, điều trị

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc, Trung Bộ chỉ đạo tổ chức chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24h; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay mới nhất ngày 17/11: Trung Bộ tứ bề nước lũ; Bắc Bộ rét cắt da cắt thịt.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn