Một phần mặt bằng được cho thuê bán phở, chân gà nướng… Kho đạo cụ, phục trang bị di dời đến kho của Cty vận tải thủy không ai hay… Đây chỉ là những chấm phá miêu tả kết quả của 2 tháng sau khi cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam với ông chủ mới là TCty vận tải thủy (Vivaso). Không là người trong cuộc mà nghe thế cũng uất nghẹn. Dễ hiểu vì sao mà trong cuộc gặp gỡ sáng nay với báo chí tại Hội điện ảnh VN, có rất nhiều những giọt nước mắt.
Một thương vụ cổ phần hóa đẫm nước mắt đầy nỗi buồn dối trá lén lút
Đó là phát biểu của nghệ sĩ- đạo diễn Quốc Tuấn. Cũng là tâm trạng chung của những người có liên quan ít nhiều đến ngôi nhà số 4 Thụy Khuê.
Cổ phần hóa, đồng ý. Vấn đề là cổ phần như thế nào. Đó là tâm trạng chủ đạo của các nghệ sĩ điện ảnh trong thời gian qua. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam thẳng thắn : Nghệ sĩ cần đối mặt với sự tàn bạo thẳng thừng của kinh tế thị trường. Tất cả phải rũ bỏ sự trì trệ, năng động, đoàn kết tìm đường đi cho mình và cho nơi mình gắn bó . Xưa ta quen sống bằng đầu vào, nay tìm cách ngược lại xem sao. Muốn vậy thì các nhà lãnh đạo mới phải am tường chuyên môn, có tâm nguyện thực sự muốn xây dựng và phát triển Hãng PTVN ngày càng có những thành tựu chứ đừng lợi dụng, thấy Hãng đang sa sút mà làm chuyện thôn tính ăn sống nuốt tươi là không được đâu . Đừng nhìn vài chục người còn lại ở Hãng bây giờ để muốn làm gì thì làm . Đằng sau họ còn vong linh bao nghệ sĩ đã khuất, bao người còn đang sống đây! Sức mạnh ấy không ai tiêu diệt được.
NSND Trà Giang NSND Trà Giang đau đớn khi nghe tin Hãng phim Việt Nam bị cổ phần hóa
Hẳn là nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện VN ban đầu đã nghĩ - trên thực tế sa sút kéo dài của một địa chỉ đỏ của điện ảnh VN một thời - rằng cổ phần hoá sẽ có lợi, ông chủ mới của Hãng sẽ tạo thêm sức mạnh cho điện ảnh, rồi sẽ có thêm sân rộng cho các nghệ sĩ thể hiện, thay vì phải làm phim kế hoạch cúng cụ, hao tâm tổn sức mà khi công chiếu rạp phim vắng hơn chùa Bà Đanh; rồi sẽ có nhiều tác phẩm điện ảnh xứng tầm… Thế nhưng, họ đã phát hiện mình bị lừa. NSND Minh Châu chia sẻ: Gần một năm qua, chúng tôi đã nghe ngóng tình hình, quan sát quá trình cổ phần hóa. Nhưng, sau gần ba tháng cổ phần hóa, cổ đông chiến lược là tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.
NSND Minh Châu
Việc Vivaso là nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) sau cổ phần hoá, nhưng Công ty Vạn Cường chuyên hoạt động ở lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên lại là ông chủ thực sự tại VFS cộng với hàng loạt hành động như đã liệt kê ở trên khiến cho dư luận rằng ông Nguyên 3 trong 1 này coi mảnh đất vàng số 4 Thụy Khuê mới là tác phẩm của Hãng là có cơ sở.
Sự chà đạp đã được chuẩn bị từ rất lâu nhưng chỉ bùng nổ dữ dội khi có sự tham gia của các nhà báo
Vô lý là nếu như báo chí không lên tiếng thì các đơn vị chủ quản lại không biết những gì đang diễn ra ở lĩnh vực mà họ quản lý. Mong muốn những tiếng nói mạnh mẽ từ phía các cơ quan báo chí để bảo vệ các nghệ sĩ, bảo vệ thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam, các nghệ sĩ đã bày tỏ những lời tâm huyết tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay 21/9/2017. Xin trích dẫn :
Đạo diễn Thanh Vân : Có sự dối trá trong việc cổ phần hoá hãng phim truyện VN. Sau rất nhiều kiến nghị của tập thể các nghệ sĩ có tên tuổi, ngày 28/12/2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra kết luận rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện VN, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của hãng vào giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng, ngày 23/6/2017, Bộ VHTTDL ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam mà hoàn toàn không có giá trị thương hiệu như sự chỉ đạo của Thủ tướng. Vậy đó là sự dối trá hay chống đối ?
NSND Đoàn Dũng chia sẻ bức xúc trước tin Hãng phim truyện VN có thể bị xóa sổ
Đạo diễn Thanh Vân cũng bức xúc chia sẻ rằng thông tin tìm nhà cổ đông chiến lược chỉ đăng có 3 kỳ trên báo Kinh tế đô thị là một tờ báo địa phương với co chữ không ai đọc nổi và đó là tờ báo duy nhất đăng tin. Tại cuộc họp báo sáng nay, anh đã đưa tờ báo đó ra làm bằng chứng. Thời gian vẻn vẹn có hơn 10 ngày lại vào thời điểm áp tết âm lịch 2016, cho việc đăng ký đấu thầu làm nhà cổ đông chiến lược cho Hãng. Dễ thấy sự vênh chỉ trong một chi tiết nhỏ này, nếu như so sánh với câu trả lời của thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khi dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại chọn Vivaso làm nhà đầu tư chiến lược cho Hãng phim truyện Việt Nam - một đơn vị thuần túy kinh doanh, không liên quan đến văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Về vấn đề này, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết : Sau khi đăng thông tin rộng rãi thì chỉ có một nhà đầu tư chiến lược quan tâm đó là Vivaso. Đơn vị này đã đáp ứng được các tiêu chí của Bộ đưa ra do đó Bộ đã chọn đơn vị này...
Nghệ sĩ Quốc Tuấn
Nghệ sĩ - đạo diễn Quốc Tuấn : Họ sỉ nhục chúng tôi bằng nhiều cách, với dụng ý rằng nghệ sĩ nhạy cảm đầy tự ái, sẽ bỏ Hãng mà đi. Chẳng hạn như tuyên bố không biết gì về nghệ thuật, đưa phương án làm phim nào cũng gạt đi sau 5 giây, bịt cổng chính bắt chúng tôi đi vòng cổng sau … Nhưng chúng tôi có bài học từ các anh em bên Cảng Hà Nội. Họ nói rằng bài của ông chủ này y như vậy, trước cổ phần hóa thì hứa những điều tốt đẹp nhưng sau không có việc làm thì mọi người tự ái sẽ bỏ đi, bên đó hơn 400 công nhân bây giờ còn 5. Vì thế chúng tôi động viên nhau bám trụ để đấu tranh, để giữ lại danh dự của hãng phim truyện VN.
Đạo diễn Thanh Vân trưng ra bằng chứng về việc thiếu minh bạch trong việc đăng thông tin tìm nhà cổ đông chiến lược
Đạo diễn Xuân Sơn : Đề nghị truy cứu trách nhiệm của người ký cổ phần hóa. Đến như Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy, Chủ tịch còn truy cứu trách nhiệm được nữa là. Bi kịch của các nước XHCN đều bắt đầu từ văn nghệ. Văn nghệ chả … là cái gì nhưng lại là động lực khủng khiếp vì nó là thượng tầng kiến trúc, làm sang cho một chế độ.
Đạo diễn Xuân Sơn
Nhà văn Chu Lai : Hôm nay quá nhiều nước mắt. Những giọt nước mắt chân thành, bất lực biểu hiện nỗi niềm điêu linh trước một con quái thú có tên là cổ phần hóa. Cổ phần hóa, tư nhân hóa có thể là cứu cánh nhưng sai thì hậu quả ngược lại. Bỏ qua con số 5000 mét vuông hay số tiền hàng ngàn tỉ, số 4 Thụy Khuê đứng trên miệng vực phá sản là lịch sử Việt Nam đứng trên miệng sự bất hạnh. Con số 400 bộ phim cũng không quan trọng bằng việc nó là hồn vía của một nền văn hóa, là giá trị tinh thần của một sức mạnh dân tộc trong lúc nước sôi lửa bỏng. Những bộ phim ra đi theo những bước đường hành quân vượt Trường Sơn, đi vào những trận đánh … giống như Quốc ca. Sự lao động của các nghệ sĩ là sự âm thầm cô đơn không như sự lao động sủi bọt trên sông nước. Tôi khẳng định Vivaso không đủ tư cách/ nhân cách năng lực để làm chủ một đơn vị như Hãng phim truyện VN. Nếu có thể được, Bộ văn hóa hãy giật mình tỉnh ngủ cho thôi ngay trò hề những nhà kinh tế không có hiểu biết chút gì về nghệ thuật lại đi quản lý nghệ thuật. Địa chỉ văn hóa đang dần biến thành cái chợ giời.
Nhà văn Chu Lai
Nhà quay phim Hữu Tuấn : Tôi thấy sốt ruột. Chúng ta đang thiếu biện pháp giải quyết, phải tiến bước thêm, cứu nguy cụ thể hơn nữa. Cần quy trách nhiệm chính trị chứ không chỉ là kinh tế cho những người đứng đằng sau phi vụ cổ phần hóa đầy dối trá này. Phải có phác đồ cụ thể điều trị căn bệnh dối trá này.
Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn
Nghệ sĩ Quốc Trọng : Nghệ sĩ không nên chỉ khóc than, cho dù là tâm huyết. Phải truy cho ra đằng sau cái anh cát sỏi này là thế lực nào, khiến anh ta ngạo mạn đến mức vô liêm sỉ, khinh miệt nghệ sĩ và cả nền điện ảnh như vậy ? Nhiệm vụ của chúng ta là phanh phui, tìm câu trả lời đó. Hay anh ta cũng chỉ là một con tốt để nghe những lời chửi mắng rồi tất cả lại rơi vào im lặng, rồi theo đúng quy trình kẻ đứng đằng sau anh ta mới thôn tính mảnh đất vàng này ? Cần nén lại cảm xúc để tỉnh táo lần ngược lại gỡ từng nút thắt thì sẽ kiếm thêm được rất nhiều củi cho cái lò đang cháy
Nghệ sĩ Quốc Trọng
Tín hiệu vui cuối ngày
Mang theo tâm nguyện của anh em nghệ sĩ đến với cuộc họp liên Bộ chiều hôm nay tại Văn phòng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ : Sẽ đề nghị Chính phủ tạm dừng mọi hoạt động để thanh tra lại quá trình cổ phần Hãng Phim truyện VN. Quy trách nhiệm người đã ký quyết định công nhận cổ phần Hãng khi suốt thời gian dài công luận nghi ngờ về sự không minh bạch và lừa dối của Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần của Bộ VHTTDL.
Nghệ sĩ Hồng Ngát
Sau 2 tiếng rưỡi với rất nhiều chất vấn và trả lời giữa các bên, cuối cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận : Sẽ cho thanh tra lại quá trình cổ phần. Tất cả cần minh bạch vì Hãng Phim truyện Việt Nam phát triển.
Bà Hồng Ngát bày tỏ niềm vui rằng như vậy giá trị đất đai cũng như giá trị thương hiệu cũng sẽ được xem xét. Bà cũng chia sẻ : Thật tuyệt vời, lòng vui phơi phới vì biết sau lưng mình biết bao nhiêu nghệ sĩ đang ngóng đợi điều này. Lúc trên đường đến VPCP mình thoáng lo ngại sợ rằng chỉ có 3 anh em (bà, Chủ tịch Đặng Xuân Hải và Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân ) đại diện cho những thỉnh cầu chính đáng của anh em không biết có được lắng nghe không?
Những lời nói cho thấy Vivaso không đủ tư cách/ nhân cách năng lực để làm chủ một đơn vị như Hãng phim truyện VN.