Khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và là không gian văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Chính vì thế, thời gian qua có nhiều ý tưởng như đặt biểu tượng rùa vàng, mô hình nhân vật khỉ Kong (phim Kong: Đảo đầu lâu)...quanh Hồ Gươm nhằm phát triển du lịch đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng sau cùng, tất cả ý tưởng nhằm phát triển du lịch đều bị từ chối để Hồ Gươm “được là chính mình”.
Từ mô hình khỉ Kong
Trung tuần tháng 3 năm nay, khi bộ phim Kong: Đảo đầu lâu của điện ảnh Hollywood thực hiện có nhiều cảnh quay tại Việt Nam ra mắt, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đề xuất TP. Hà Nội dựng mô hình khỉ Kong (nhân vật chính trong phim) ở khu vực Hồ Gươm. Đề xuất này xuất phát từ mục đích tạo sản phẩm để thúc đẩy du lịch, giúp du khách có những trải nghiệm trên phố đi bộ ở Hà Nội. Nhưng đề xuất dựng mô hình khỉ Kong ngay sau đó đã làm xôn xao dư luận, nhiều người cho rằng dù muốn quảng bá hình ảnh du lịch Việt qua phim nổi tiếng nước ngoài, song với một địa điểm có bề dày văn hóa, lịch sử như Hồ Gươm thì không thể tùy tiện.
Theo KTS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), không gian Hồ Gươm khá nhỏ, có cảnh quan xinh xắn, trầm mặc trong khi mô hình khỉ Kong lớn nên đặt vào khu vực này sẽ không hài hòa. Trong khi đó KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, xung quanh Hồ Gươm có nhiều công trình nhỏ mang giá trị lịch sử như tháp Hòa Phong, tháp Bút..., đặt một mô hình lớn khỉ Kong vào đây sẽ khó phù hợp. Ngoài ra, nhiều người dân nêu quan điểm, Kong chỉ là nhân vật trong phim, và quan trọng hơn Kong không thể là nhân vật đại diện nói lên Việt Nam là một điểm đến du lịch. Bởi thế, mô hình khỉ Kong dựng lên giữa một địa điểm đẹp nhất Thủ đô sẽ không phát huy được hiệu quả và thiếu tính bền vững. Trước những ý kiến trái chiều và đa số ý kiến không đồng tình, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tiếp thu và rất thận trọng. Cuối cùng, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã không dựng mô hình khỉ Kong ở khu vực Hồ Gươm.
Lý giải về việc từ chối đề xuất dựng mô hình Kong, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, việc lắp dựng mô hình khỉ Kong chỉ phù hợp ở một số vị trí khác như công viên, trung tâm chiếu phim quốc gia; hoặc triển khai ở các địa phương có cảnh quay bộ phim. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, khu vực Hồ Gươm đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, cần hết sức thận trọng trong tổ chức các hoạt động. Sau khi Bộ VH-TT&DL đề nghị, các cơ quan liên quan tại Hà Nội đã tham khảo ý kiến của dư luận, đặc biệt là các nhà khoa học và thấy rằng vị trí đặt mô hình khỉ Kong ở khu vực tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, thậm chí ở các khu vực khác xung quanh Hồ Gươm là không phù hợp.
Đến biểu tượng rùa vàng
Sự việc không dựng mô hình khỉ Kong vừa lắng xuống thì cuối tháng 3/2017, một công ty lại đề xuất với TP. Hà Nội đặt tượng rùa vàng hoặc rùa làm bằng xốp bản lớn dài 2,5m, cao 3,5m tại khu vực trọng điểm ở Hồ Gươm. Tuy nhiên, cũng như đề xuất dựng mô hình khỉ Kong trước đó, hầu hết ý kiến chuyên gia và người dân cho rằng ý tưởng đặt biểu tượng rùa vàng tại Hồ Gươm không khả thi và “không cần thiết”.
Theo quan điểm cá nhân của PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, không nên dựng tượng rùa vàng ở khu vực Hồ Gươm. PGS.TS. Đỗ Văn Trụ phân tích, bất cứ việc làm nào ở khu vực Hồ Gươm, nếu không tính toán kỹ cũng dễ dẫn đến việc làm tổn thương di tích cả về không gian, cảnh quan, môi trường, di sản văn hóa, không gì có thể bù đắp được. Bên cạnh đó, bản thân khu đất thiêng Hồ Gươm đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử - văn hóa sâu sắc, gắn liền với truyền thuyết rùa vàng, mà người Việt Nam và bạn bè quốc tế đều biết, ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt Nam. Đó chính là biểu tượng rồi, vì vậy không cần thiết phải xây dựng biểu tượng rùa vàng ở đây. Chúng ta hãy làm tốt việc bảo vệ, bảo quản, giữ gìn cảnh quan, môi trường, di tích ở nơi này, giữ cho được hồn cốt của nó.
Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã chính thức có văn bản từ chối đề xuất của Công ty TNHH Hữu nghị Á châu về dự án đúc biểu tượng rùa vàng để đặt tại khu vực Hồ Gươm. Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, tại Điều 6, Luật Thủ đô năm 2012 đã quy định, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ năm 2013, Hồ Hoàn Kiếm đã được Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Do đó, việc chỉnh trang, xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích phải được nghiên cứu thận trọng và thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. Tại đền Ngọc Sơn hiện nay đang lưu giữ một tiêu bản rùa Hồ Gươm để phục vụ du khách. Mặt khác, dự án đúc biểu tượng rùa vàng đặt ở Hồ Gươm của Công ty TNHH Hữu nghị Á châu bị nhiều nhà khoa học, sử học và dư luận bày tỏ không đồng tình. Vì thế, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội từ chối đề xuất đặt biểu tượng rùa ở khu vực Hồ Gươm.
Rõ ràng, qua các sự việc trên cho thấy TP. Hà Nội đã rất quyết liệt và cầu thị trong việc gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử, đặc biệt là Hồ Gươm - điểm đến hấp dẫn du khách của Thủ đô!