Dưới đây là một số bệnh tiêu hóa ngày Tết thường gặp.
Đầy hơi phải làm sao?
Ngày Tết do cơ thể nạp quá nhiều chất đạm, bột, đường, dầu mỡ khiến dạ dày không thể tiêu hóa hết được, dẫn đến tồn đọng thức ăn trong ống tiêu hóa. Ăn nhiều đồ ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, chất kích thích,nhai không kĩ, ăn xong đi nằm ngay... cũng khiến đường ruột quá tải không xử lý hết thức ăn và gây ra tình trạng đầy hơi trướng bụng.
Ngoài ra, có một số loại thức ăn khi tiêu hóa, sản sinh ra nhiều khí hơn những thức ăn khác như: Bắp cải, súp lơ, cải xoong, cải xoăn, hành tây, tỏi, các loại quả có hạt…
Để tránh hiện tượng đầy hơi, trướng bụng, khi ăn chúng ta cần: Ăn chậm, nhai kỹ và ngậm miệng, tránh nói chuyện nhiều trong khi ăn; hạn chế uống bia, rượu nặng và các loại nước có gas; nên ăn thêm nhiều rau xanh, hoa quả tươi và thức ăn chứa nhiều chất xơ; ăn thêm sữa chua mỗi ngày.
Xử trí ợ chua
Ợ chua là triệu chứng khi acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức và có thể xuất hiện vị đắng trong cổ họng hoặc miệng.
Nguyên nhân dẫn đến ợ chua ngày Tết thường thấy là do ăn quá no, ăn quá nhiều dầu mỡ, nằm ngay khi vừa ăn xong... Hoặc do bị kích ứng bởi một số thực phẩm (thức uống có gas, chocolate, thức ăn quá chua cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia…).
Vì vậy, để tránh ợ chua, cần hạn chế một số thực phẩm gia tăng sự sản xuất acid, bao gồm thức ăn béo, nhiều gia vị, trái cây chua; không nên ăn hoa quả khi bụng còn trống rỗng; tránh uống quá nhiều trước và trong bữa ăn; tránh dùng các thức uống chứa nhiều caffeine như: cà-phê, trà, coca-cola, chocolate; tránh đồ uống có gas; tránh ăn quá nhanh.
Cần ăn từ từ, nhai kỹ và giữ cơ thể thẳng đứng trong 45 phút, không nằm ngay sau khi ăn; ăn thành nhiều bữa nhỏ; không mặc quần áo quá chật; đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn; khi ngủ đầu giường nằm được kê hơi cao để nâng cao nửa phần trên của cơ thể và khi ngủ nên nằm nghiêng sang bên trái để đẩy thức ăn trong dạ dày ra xa chỗ tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản.
Tiêu chảy và dị ứng, ngộ độc thức ăn
Ngày Tết tình trạng rối loạn tiêu hóa với thức ăn là chuyện thường xảy ra, thậm chí dị ứng thức ăn, ngộ độc thức ăn cũng dễ mắc phải.
Với rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy có nhiều nguyên nhân, nhưng trong những ngày Tết, nguyên nhân chủ yếu là dị ứng thức ăn (thịt rừng, hải sản), vệ sinh ăn uống hoặc môi trường nhiễm bẩn (ăn rau quả sống không rửa kỹ, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn bị ruồi nhặng bâu...). Do ăn uống không đảm bảo vệ sinh nên vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất độc xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy.
Trong dịp Tết, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của bé, không để bé tự ý mua thức ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên cho bé ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm cần phải vứt bỏ. Trẻ em và cả người lớn cũng cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với rau quả sống, phải rửa kỹ (tốt nhất rửa trực tiếp dưới vòi nước). Thức ăn phải đậy kỹ để tránh ruồi nhặng, không ăn thức ăn bị ô nhiễm.
Tương tự, vấn đề ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn cũng vậy, ngày Tết, chúng ta thường xuyên ăn nhiều loại thực phẩm và đồ uống lạ so với các món ăn thường ngày. Cộng thêm việc bảo quản thức ăn ngày Tết không được kỹ càng là nguy cơ khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm và dị ứng thức ăn. Triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn thường là nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn ngứa ngoài da,...
Để phòng tránh, chúng ta cần sử dụng thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, được bảo quản đúng cách; Không nên ăn uống quá nhiều loại thức ăn một lúc tránh những thực phẩm "kỵ" nhau; tránh dùng những loại thực phẩm, đồ uống hoặc gia vị lạ mà bạn từng bị dị ứng.