Không còn mùa thu...

10-11-2016 15:27 | Y tế

SKĐS - Tưởng nhớ Jean Piere Fumery - người cha nuôi của nhiều thế hệ bác sĩ Việt Nam học tập tại Pháp.

Có vẻ là không có mùa thu nữa. Người ta thầm tiếc vài tuần ngắn ngủi nhưng cảnh vật đẹp đến nao lòng, gió trời mát đến xốn xang, nắng vàng xuộm phủ lên cây cối, phủ trên mặt hồ và mặt người. Những anh chị bán hoa cúc vàng, cúc trắng họa mi, loa kèn thong thả trên các phố. Họ đa phần đều lem luốc nhưng ai cũng khéo chào mời và tươi tắn như gánh hoa của họ. Thật lạ là sau những ngày 30-32 độ, nắng vẫn gay gắt, điều hòa vẫn chạy đều đều rồi người ta lại hoảng hốt hạ quần áo chăn gối xuống để chống rét… Thu không đến thật hay sao.

Buồn vì không có thu. Thế giới bấn loạn vì Syria, Iraq chết chóc mãi vẫn chưa thể kết thúc. Cuộc bầu cử tại Mỹ sắp đến hồi kết càng làm người ta ngán ngẩm. Tự do, nhân quyền làm người ta điên đầu vì những thông tin và buộc tội. Có nhiều người đã phải thốt lên chính nghĩa, nhân phẩm, bạn bè… hãy coi chừng ở thế giới hỗn mang này. Thắng mà như vậy là sự tụt lùi của nhân phẩm, đạo lý, là mang tai họa cho loài người. Ta làm được gì đây, năm tháng như chiếc kim đồng hồ sẽ gạt bạn đến cuối năm. Sức khỏe và cuộc sống không tồn tại vĩnh viễn. Ông anh họ của tôi rất ham ăn tỏi, uống thực phẩm chức năng, sinh hoạt chuẩn mực… nhưng vẫn đột quỵ, cấm khẩu. Bắt tay tôi bằng bên không bị liệt, bàn tay mềm và lạnh, anh không thể nói một âm trọn vẹn, nước mắt cả hai cứ ứa tràn ra mi. Người bố nuôi tôi ở Pháp lái ôtô đưa tôi ra ga để về Việt Nam, chẳng muốn chết, chẳng có lý do gì để chết, hẹn nếu có đường bay thẳng Hà Nội - Toulouse sẽ đến thăm tôi… bỗng nhiên ra đi vài ngày sau chuyến trở về của tôi. Buồn quá! Cũng phải thôi, có lứa tuổi mà người ta có thể hưởng thụ chút ít và vĩnh viễn mất đi khá nhiều thứ, tuổi 50 của tôi?

Tuong nho Jean Piere Fumery- cha nuoi cua nhieu the he bac si Viet Nam hoc tap o Phap

Ông Jean Piere


Ngày nào tôi cũng nghĩ đến ông, ông bạn Pháp Jean Piere (JP) ạ. Có những đêm tôi mơ thấy ông và hình ảnh ông chạy theo miết tay vào cửa kính con tàu hôm đó để chào tôi, cứ ám ảnh tôi. Và sáng dậy, tôi lại thầm nhắn nhủ ông trên trời cao: “Đừng nghĩ đến tôi nữa để tôi có thể quên ông”.

Nói vậy thôi, chẳng khi nào những người yêu nhau lại quên được nhau, những ân nghĩa và thâm tình sẽ quấn quít ta cho tới lúc chết. Chẳng phải vì mệt mỏi, vì thời buổi loạn lạc hay miếng cơm manh áo mà tôi và ông quên đi cái nghĩa lớn, rời bỏ chính đạo mà chúng tôi đã lựa chọn. Mười lăm năm ông giúp đỡ bao nhiêu bác sĩ trẻ Việt Nam xa lạ, cô đơn, túng thiếu, sai sót, ngớ ngẩn nơi đất khách quê người. Mệt mỏi, căng thẳng, cô đơn nhờ có ông mà đã thành ấm áp, nguôi ngoai, thậm chí vui vẻ nếu ai đó chưa có gia đình và ham khám phá. Ngần đấy thời gian ông cần mẫn cùng với bà vợ nghỉ hưu nấu ăn, đưa đón, làm giấy tờ, nghe chúng tôi trò chuyện, an ủi vỗ về chúng tôi vượt qua mọi khó khăn và khác biệt về văn hóa, lối sống. Đứa con nuôi lớn nhất của ông cũng đã gần 60 tuổi, lác đác chúng quay lại Pháp thăm ông, trong đó có tôi. Người vui nhất là tôi vì đã ở gần ông nhất, rán nem cho ông ăn, massage cái lưng đau triền miên của ông chỉ vài ngày trước khi về với Chúa. Người khổ nhất chắc cũng là tôi bởi tôi có người bố thứ hai là ông, bởi tôi chẳng thể níu kéo ông nán lại thêm cuộc đời này.

Thu 2016


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn