Không còn mặc cảm sau phẫu thuật cắt ung thư vú

02-02-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Với những phụ nữ không may bị ung thư vú, ngoài nỗi đau đớn phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị để chiến đấu với bệnh tật, còn một nỗi đau khác họ phải gánh chịu...

Với những phụ nữ không may bị ung thư vú, ngoài nỗi đau đớn phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị để chiến đấu với bệnh tật, còn một nỗi đau khác họ phải gánh chịu, nhất là với những phụ nữ trẻ, đó là mặc cảm về cơ thể của mình… Phẫu thuật tạo hình vú ngay sau khi phẫu thuật cắt bỏ ung thư là giải pháp tối ưu khiến người bệnh không phải trải qua nhiều cuộc mổ, đặc biệt là giải toả được tâm lý mặc cảm, tự ti về bệnh tật của mình.

Lấy chính phần da và mỡ bụng để tạo hình vú bị cắt bỏ

Nguyễn Thanh H. 32 tuổi, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội vừa trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư vú nhưng chị không bị cảm giác hụt hẫng khi mất đi một phần cơ thể lúc tỉnh dậy vì khi vừa cắt bỏ khối u tại Khoa Phụ sản Bệnh viện (BV) 108, chị đã được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình của BV kết hợp tạo hình ngay lại bên vú vừa cắt bỏ. Chị H. chia sẻ: Gần một năm trước, chị thấy một bên đầu vú bị rỉ dịch, nhưng phần vì sợ, phần chủ quan, lại không thấy đau, chị tự an ủi có lẽ đến kỳ hàng tháng có hiện tượng như vậy. Cách đây 1 tháng, chị đi khám kỹ càng tại BV 108 và phát hiện ung thư vú, bệnh đã ở giai đoạn 2. Sau giai đoạn sốc ban đầu, chị tham khảo ý kiến các bác sĩ để tìm giải pháp điều trị triệt để, có hiệu quả nhất cho mình và được tư vấn về phương pháp tạo hình vú ngay sau khi phẫu thuật cắt vú. Mới sang ngày thứ 3 sau phẫu thuật, chị H. đã thấy không còn đau nhiều, chị vén áo chỉ vào phần bụng đang còn quấn băng của mình “khoe”: Các bác sĩ đã lấy chính phần da và mỡ thành bụng của mình để đưa lên tạo hình bên vú vừa bị cắt do ung thư.

​TS.BS. Đặng Vĩnh Dũng thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích và sự tự tin cho người bệnh

PGS.TS. Nguyễn Tài Sơn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình BV 108 cho biết: Với kỹ thuật tạo hình vú một thì sau cắt ung thư vú, bệnh nhân chỉ phải trải qua một lần mổ cắt u và tạo hình lại ngực ngay khi đó, người bệnh không phải chịu đựng một cuộc mổ kéo dài lần hai, lại giải toả được về mặt tâm lý cho người bệnh, nhất là với những phụ nữ trẻ, không bị cảm giác hụt hẫng, mặc cảm khi tỉnh dậy thấy cơ thể bị thiếu hụt. Sau khi cắt bỏ hết phần vú bị ung thư, phẫu thuật viên tạo hình sẽ lấy vạt da mỡ ở bụng dưới (vạt da mỡ động mạch thượng vị sâu dưới), đưa lên ngực, nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu và tạo hình lại vú ngay trong một lần mổ. Do vừa cắt bỏ khối u, các tổ chức lành còn tươi mới, các mạch máu được bảo vệ tối đa nên việc tạo hình nối vạt nuôi sẽ dễ dàng, đơn giản hơn so với phương pháp tạo hình vú thì hai. Nếu không tạo hình vú ngay lần đầu thì thành ngực bên cắt vú sẹo sẽ xơ hoá, co kéo. Đặc biệt, những bệnh nhân cần phải điều trị xạ trị hoặc hoá xạ trị bổ sung thì tổ chức sẹo co kéo, dính xương, phần da thành ngực xung quanh sẽ bị thâm nhiễm, teo đét, do đó, phẫu thuật tạo hình vú thì hai rất khó, rủi ro cao do mạch nuôi bị teo nhỏ và nền sẹo bị xơ hóa.

PGS.TS. Nguyễn Tài Sơn cũng cho biết thêm: Ngoài giải pháp lấy vạt da mỡ ở bụng dưới đưa lên để tạo hình vú, còn có thể chuyển vạt da cơ lưng rộng vào thay thế vú bị cắt. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, sử dụng các vạt da cơ có chân nuôi nên khả năng sống của vạt mới là cao và không phải sử dụng kỹ thuật vi phẫu - một kỹ thuật đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao với đầy đủ các trang bị như kính hiển vi phẫu thuật, bộ dụng cụ vi phẫu và kim chỉ cực nhỏ. Nhưng do các vạt tổ chức có chân nên xoay vạt khó và khối lượng cũng như kích thước hạn chế, nên để ngực được đầy đặn như cũ thì phải dùng túi độn ngực. Với bệnh nhân ung thư mà tạo hình đưa vật liệu ngoại lai vào, khi bệnh nhân chạy tia xạ, phần vật liệu đó sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Tạo hình vú bằng vạt da và mỡ thành bụng dưới giúp che phủ được phần khuyết da, đồng thời không phải dùng đến vật liệu ngoại lai vì có khối mỡ đầy đặn đưa vào để tạo hình, mạch nuôi hằng định (luôn luôn có). Vú được tạo hình bằng vạt da mỡ này sẽ chịu được tia xạ, hoá chất vì nó cũng là một phần của cơ thể, chịu đựng bình thường như các tổ chức khác trong cơ thể.

Kỹ thuật tạo hình vú một thì sau phẫu thuật cắt ung thư vú do các bác sĩ Khoa Phụ sản và Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình BV 108 cùng phối hợp thực hiện. Theo TS.BS. Đặng Vĩnh Dũng - Khoa Phụ sản: Tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ là 17/100.000 người, thường bắt đầu gặp từ trên tuổi 40. Việc phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm có thể giúp điều trị triệt căn. Có nhiều biện pháp để phát hiện sớm ung thư vú - đó là tự khám, khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Thiết bị có giá trị cao nhất hiện nay trong sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú là chụp Xquang tia mềm tuyến vú (hay còn gọi là chụp nhũ) có tên khoa học là mamography. Với thiết bị này thì khối u dưới 1cm cũng có thể phát hiện được. Hiện nay, BV 108 đã được trang bị máy chụp Xquang tuyến vú 3D giúp cho việc sinh thiết chính xác u được cao hơn nên nhiều bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị sớm.

Mai Linh

 

 


Ý kiến của bạn