Bảo hiểm y tế - một chính sách an sinh xã hội góp phần giúp người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không may phải đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, đa số tỷ lệ người tham gia BHYT đều là đối tượng bắt buộc, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện rất hạn chế, thậm chí một số đơn vị sử dụng lao động còn lơ là trong việc thực hiện chính sách BHYT cho người lao động... Những tồn tại này sẽ khắc phục bằng cách nào để đảm bảo lộ trình BHYT toàn dân như đã đề ra? Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với các chuyên gia...
Ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Lãnh đạo địa phương phải vào cuộc tích cực
Để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT thì chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục. Để làm được điều đó, BHYT cần đưa ra quy định và điều kiện cụ thể, chẳng hạn như tỉnh nào bội chi Quỹ BHYT thì phải lấy ngân sách địa phương bù vào. Tỉnh nào kết dư quỹ thì sẽ được trích phần trăm cho ngân sách của tỉnh. Như thế mới khuyến khích các tỉnh tích cực vận động người dân tham gia BHYT. Quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT là phù hợp với chủ trương chăm sóc sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới. Bắt buộc tham gia BHYT toàn dân đồng nghĩa với việc người dân khi ốm đau đều được bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế mà không phải chịu rủi ro, khó khăn về mặt tài chính trong chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Về những khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT hiện nay, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, thực tế cho thấy, hầu hết tại các địa phương, cán bộ lãnh đạo quản lý chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân hiểu hết những lợi ích của việc tham gia BHYT. Vì vậy, cần dành một khoản kinh phí nhất định để tiến hành tuyên truyền vận động toàn dân tham gia BHYT. Đồng thời, việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm, giống như nước ta đã từng vận động kế hoạch hóa gia đình. Có như vậy mới mong có kết quả cao.
Ông Takeshi Kasai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam: Để có BHYT toàn dân phải thực hiện tham gia BHYT bắt buộc
Trên thế giới, chưa có một quốc gia nào bằng con đường tự nguyện mà thực hiện được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Do vậy, nên quy định BHYT bắt buộc, việc tham gia BHYT bắt buộc phù hợp với mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân; chi trả theo nhu cầu bệnh tật, không phụ thuộc vào số tiền đã đóng hay thời gian tham gia BHYT. “Nếu không thay đổi quan điểm và giải pháp thực hiện thì không thể trông chờ tỷ lệ tham gia BHYT tốt hơn hiện nay. Vì vậy, cần thống nhất quan điểm đóng phí BHYT như đóng thuế, vì mục đích chăm sóc sức khỏe. Việc thanh tra, xử lý hành vi trốn đóng phí BHYT cần được thực hiện như với hành vi trốn thuế”, ông Takeshi Kasai nhấn mạnh.
Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế: Cơ chế tài chính giúp người tham gia BHYT có nhiều quyền lợi
Để đề cao tính pháp lý nhằm gắn trách nhiệm của mọi người dân tham gia BHYT, chúng tôi đã đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT trình Quốc hội vào tháng 5/2014 là bắt buộc tham gia BHYT. Thực tế, qua 3 năm thực hiện Luật BHYT, mặc dù luật đã quy định mọi người dân có trách nhiệm tham gia BHYT, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều đối tượng chưa tham gia BHYT... Do đó, nếu không quy định bắt buộc tham gia BHYT sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao không tham gia BHYT và như vậy không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT. Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; bắt buộc toàn dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân theo quy định của pháp luật...
Chế tài để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và những người không tham gia BHYT sẽ được giải quyết bằng cơ chế tài chính. Đó là khi khám chữa bệnh, sẽ có 2 giá dịch vụ khác nhau: một dành cho BHYT, một dành cho dịch vụ. Vì vậy, nếu không tham gia BHYT, khi vào viện khám chữa bệnh, người dân sẽ phải trả giá dịch vụ cao hơn rất nhiều.
Hoàng An (thực hiện)