Không còn hình ảnh phản cảm, không để ngộ độc xảy ra

22-03-2016 18:58 | Thời sự

SKĐS - Là địa phương có số lượng lễ hội nhiều, đây là một lợi thế lớn cho việc phát triển văn hoá du lịch nhưng cũng đặt ra một vấn đề không nhỏ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm của các cơ quan chức năng

Là địa phương có số lượng lễ hội nhiều, đây là một lợi thế lớn cho việc phát triển văn hoá du lịch nhưng cũng đặt ra một vấn đề không nhỏ trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội hàng năm của các cơ quan chức năng. Bên lề hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 22/3, Sức khỏe&Đời sống đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống, Văn hóa và Gia Đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại hội nghị chiều ngày 22/3 (Ảnh Trần Lâm)

PV: Theo thống kê Hà Nội hiện có trên 1000 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Là đơn vị quản lý công tác lễ hội trên địa bàn, mùa lễ hội năm 2016, được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Tuyên: Ngay từ đầu năm Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Phòng Văn hoá và Thông tin các quận, huyện, thị xã bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL và UBND TP Hà Nội về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Sở VH&TT đã ban hành Kế hoạch và thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra công tác quản lý và tổ chức trước, trong và sau lễ hội trên địa bàn Thành phố Xuân Bính Thân năm 2016. Trong đó: Tập trung hướng dẫn cơ sở triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội, nhìn chung các địa phương đã tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển các hình thức, sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các lễ hội; Bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội, Sở VH&TT còn phối hợp với Thanh tra Bộ VHTT&DL, Cục Văn hoá cơ sở, Cục di sản kiểm tra công tác bảo vệ di tích và tổ chức quản lý lễ hội tại các di tích danh lam thắng cảnh lớn, qua đó chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, tồn tại để các địa phương khắc phục, đồng thời cũng kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục.

PV: Lễ hội chùa Hương được biết đến là lễ hội kéo dài nhất trong năm và từng được phản ánh nhiều về việc công tác VSMT, ATTP tại các lễ hội, đặc biệt là được Sở  tiến hành ra sao?

Ông Nguyễn Thành Tuyên: Công tác VSMT, ATTP và thực hiện nếp sống văn minh tại các các lễ hội được quan tâm hàng đầu, không chỉ riêng đối với  lễ hội chùa Hương. Sở VH&TT đã phối hợp cùng các ban ngành liên quan tiến hành thường xuyên kiểm tra, đột xuất, thông qua đó khắc phục những tồn tại, yếu kém, những hoạt động làm ảnh hưởng tới lễ hội như: chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán hàng quán gây phản cảm, mất ANTT, VSMT, ATTP. Phối hợp cùng BTC lễ hội tuyên truyền và kiên quyết xử lý nghiêm các hộ, cá nhân làm dịch vụ đổi tiền lẻ, tổ chức ký cam kết không tái phạm. Kiểm tra, yêu cầu các chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống không treo thực phẩm tươi sống ra ngoài, không kinh doanh động vật cấm. Tất cả các thức ăn tươi sống được đưa vào tủ kính bảo ôn dán kín, không gây mất mỹ quan, phản cảm và đảm bảo vệ sinh ATTP. Theo đó đó, trong mùa lễ hội năm 2016 không có trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.

PV: Sở VH&TT Hà Nội cần phải làm gì để chấn chỉnh một số tồn tại vẫn thường diễn ra tại các lễ hội trên địa bàn?

Ông Nguyễn Thành Tuyên: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn còn có những tồn tại cần khắc phục. Ở một số lễ hội, các dịch vụ hàng, quán bầy bán đan xen trong di tích gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông. Công tác VSMT chư­a thực sự đảm bảo, nhiều lễ hội chư­a có phương án triệt để hạn chế mất VSMT như­: chưa có đủ thùng chứa rác, phế thải; thiếu nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách; một bộ phận không nhỏ ngư­ời dân tham gia lễ hội thiếu ý thức nên việc đảm bảo VSMT chư­a tốt. Vấn đề vệ sinh ATTP ở nhiều lễ hội chưa được quan tâm đúng mức. Hiện t­ượng cờ bạc d­ưới hình thức vui chơi có th­ưởng, bầu tôm, cua, cá còn diễn ra tại một số lễ hội làng. Còn có hiện tư­ợng tranh giành khách, đi xe máy chặn ô tô đón khách vi phạm Luật Giao thông đư­ờng bộ; đổi tiền lẻ; hiện tượng tự nâng giá hàng dịch vụ, trông giữ ô tô, xe máy cao so với quy định còn có ở nhiều lễ hội. Một số nơi đặt nhiều hòm công đức, bán lộc, đổi tiền lẻ. Đa số các lễ hội với quy mô nhỏ, diễn ra trong phạm vi làng, xã nội dung lễ hội còn đơn điệu, nghèo nàn. Một số lễ hội do người dân thiếu ý thức đã gây ra những hình ảnh tranh giành, phản cảm, thiếu văn hóa khiến dư luận không đồng tình.

PV: Ông cho biết đánh giá chung về công tác quản lý lễ năm 2016, Sở VH&TT Hà Nội cần phải làm gì để lễ hội năm 2017 được quản lý và tổ chức tốt hơn?

Ông Nguyễn Thành Tuyên: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND Thành phố, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố đã thu được nhiều kết quả tốt, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Hầu hết các Lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian đư­ợc quan tâm đư­a vào lễ hội như­: hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổ cơm thi, múa sư­ tử, kéo co... làm phong phú hoạt động của lễ hội, góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng dân cư. Từ đó đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong đoàn kết cộng đồng, phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc c­ưới, việc tang, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc được phát huy.


Hạnh Lê - Thu Lan
Ý kiến của bạn