SKĐS - Nỗi ám ảnh về việc đếm số ca mắc, tử vong do COVID-19 có lẽ đã trở thành ký ức khôn nguôi đối những nhân viên y tế, những người từng lăn lộn khắp các " chiến trường". Giờ đây khi nhắc lại, không còn áp lực hay dằn vặt như trước. Những ký ức đó là động lực để họ mạnh mẽ bước tiếp.
Từng đi qua nhiều tâm dịch như Đà Nẵng, Hải Dương và là tốp y bác sĩ đầu tiên có mặt tại Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 7 để chuẩn bị cho Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 16, BS Vũ Tưởng Lân (Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai) vẫn không thể quên những ám ảnh khi "chinh chiến" tại tâm dịch Sài Gòn.
Nhớ lại đêm đầu tiên BVDC 16 mở cửa tiếp nhận bệnh nhân, vừa sửa chữa hoàn thiện quy trình, BS Lân không khỏi "sốc" bởi ngay trong đêm đã có 2 ca tử vong. "Những ngày đầu tiên chưa có bộ phận xử lý xác, đó là một điều cực kỳ ám ảnh cho những người làm lâm sàng như chúng tôi. Vừa không có kinh nghiệm, dụng cụ y tế cũng chưa kịp chuẩn bị... Sau này, đỉnh điểm có những ngày lên tới hơn 30 ca tử vong. Chúng tôi đều không thể hình dung ra, tất cả ập đến môt cách ồ ạt. …" – BS Lân nhớ lại.
Những "cú sốc" không chỉ dừng lại ở đó, BS Lân cùng đồng nghiệp vẫn nghĩ đơn thuần rằng không bệnh nền, trẻ tuổi thì có thể chiến thắng được COVID-19. Thế nhưng thực tế không như họ tưởng tượng. Không chỉ các nhân viên y tế bị rơi vào "vòng xoáy" nặng nề mà ngay cả các bệnh nhân mỗi khi thấy đặt ống thở đều thầm nghĩ không thể cứu chữa và có tâm lý muốn "buông".
"Thậm chí có những bệnh nhân chứng kiến cảnh giường bệnh xung quanh đặt ống thở và tử vong khiến họ còn hoảng sợ tới mức phải thốt lên: "Anh ơi đừng đặt ống em" – BS Lân hồi tưởng.
Không chỉ các ca đặt ống thở, những ca sản mắc COVID-19 khi nhập viện gần như sẽ tử vong 100%, điều này càng khiến đội ngũ nhân viên y tế ám ảnh.
Là người đứng mũi chịu sào, phụ trách Khoa Hồi sức tích cực 2, BS Lân quyết định phải sốc lại tinh thần, thay đổi suy nghĩ của nhân viên y tế và bệnh nhân bằng những ca "điểm" để chứng minh rằng đặt ống không có nghĩa là tử vong, quyết tâm làm đến cùng.
Một trong số đó là bệnh nhân làm nghề tài xế tên Bình, nhập viện vào những ngày đầu tiên. Kể về "ca điểm" đó, BS Lân xúc động: "Phải trực tiếp làm để thay đổi suy nghĩ cho đôi ngũ y bác sĩ. Sau hơn một tháng thở máy, bệnh nhân bắt đầu cử động được nhưng vẫn cắm ống thở. Và dòng chữ đầu tiên mà bệnh nhân viết là những nét chữ nguệch ngoạc hẹn mời tôi uống cốc nước…".
Một ca điểm khác khiến BS Lân nhớ mãi là sản phụ mắc COVID-19 khi mang thai 25 tuần trong tình trạng đặt ống nội khí quản, tới BVDC 16 được chỉ định thở máy. Đến tuần 28, phổi của bệnh nhân tiến triển thuận lợi, cai được thở oxy. Thế nhưng khi rút ống thở sản phụ lại có biểu hiện liệt tứ chi, các bác sĩ lại chỉ định lắp ống thở oxy, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu.
"Đêm đó, mặc dù không phải ca trực nhưng tôi vẫn thức cả đêm theo dõi bệnh nhân và suy nghĩ hướng điều trị. Ngay sáng hôm sau chúng tôi đình chỉ thai nghén và mổ bắt thai ở tuần thứ 28 ngay tại BVDC 16. Người mẹ được chuyển qua cơ sở khác để chẩn đoán và điều trị tình trạng liệt tứ chi. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh và ra viện, điều đáng tiếc là đứa trẻ chảy máu phổi nên đã qua đời 1 ngày sau sinh. Sau ca bệnh của phụ sản kể trên thì mọi người cũng thay đổi suy nghĩ về trường hợp mắc COVID-19 khi mang thai là sẽ chết" – BS Lân tâm sự.
Những ngày đứng giữa "lằn ranh sinh tử" ở tâm dịch Sài Gòn, với các nhân viên y tế làm hồi sức đối mặt với sinh tử là chuyện thường ngày, tuy nhiên đợt dịch COVID vừa qua chưa bao giờ họ phải đối mặt với những con số lớn như vậy. Nếu như ở Trung tâm Cấp cứu A9 thường ngày có 1-2 ca, có những ca tử vong ngoại viện nhưng trong tâm dịch có những ca vừa vào buồng xong đã tử vong, vừa nói chuyện lúc trước lúc sau đã tử vong. Có lẽ "ám ảnh" đó sẽ chẳng bao giờ quên được trong cuộc đời hành nghề của các bác sĩ.
Giờ đây khi trở lại với guồng quay công việc tại Trung tâm Cấp cứu A9, những nỗi lo về COVID-19 không còn thường trực như xưa, nhớ lại quãng thời gian ấy, BS Lân trải lòng: "Thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi cùng nhóm "cựu chiến binh Sài Gòn" ôn lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời hành nghề, những khoảnh khắc chứng kiến cái chết mong manh đến vậy. Có một câu nói trong của nhà văn Nguyễn Khải là động lực cho tôi trong suốt quãng thời gian ở tâm dịch Sài Gòn: Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy. Sau này quay lại Sài Gòn, có một tài xế đón tôi, đưa tôi chạy qua những con đường thân quen. Và tôi cảm thấy tự hào khi có thể kể với người tài xế đó rằng tôi cũng từng đóng góp một chút sức lực nhỏ bé để Sài Gòn trở lại những ngày bình yêu như bây giờ".
Còn với điều dưỡng Đỗ Thành Đô (Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai), người được phân công tại cửa số 1 BVDC 16, nơi đón tiếp, phân loại các bệnh nhân. Mặc dù đã có thâm niên hàng chục năm trong nghề nhưng ấn tượng về số ca tử vong do COVID-19 với anh vẫn là những con số ám ảnh. Biết được có đồng nghiệp trong tâm dịch đã nhiễm bệnh thậm chí tử vong, vào Sài Gòn, anh Đô mang theo một tâm trạng lo lắng. Tuy nhiên, chỉ mất vài ngày làm quen với công việc, anh Đô đã "vào guồng".
Thế nhưng điều khiến anh Đô không ngờ tới là ngay từ những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân tại BVDC 16, số lượng bệnh nhân đã quá đông, thậm chí có những ngày hơn trăm ca. "Chúng tôi quan tâm đến những ca nặng, những ca tử vong hơn là đếm số ca. Có những ngày cao điểm lên tới 35 ca tử vong. Bản thân chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến số lượng người tử vong nhiều đến thế và hơn nữa bệnh nhân ra đi chỉ trong "chớp mắt". Bệnh nhân vừa trò chuyện với chúng tôi xong, chỉ lúc sau đã suy hô hấp và tử vong. Tiến triển bệnh không thể lường trước được" – Điều dưỡng Đô nhớ lại.
Ám ảnh, đau xót nhất là chứng kiến cả gia đình tử vong, mặc dù đã nỗ lực hết sức nhưng không thể cứu được ai. Hay những gia đình 9 người thì có tới 8 người đi cấp cứu, mỗi người một nơi, sau cùng chỉ còn một người sống sót. Những bệnh nhân vừa nhập viện chưa kịp hỏi thông tin đã qua đời, những hoàn cảnh vô cùng éo le…
"Tôi sợ nhất là giờ giao ca, bệnh nhân vào rất nhiều, đặt ống liên tục rồi chuyển xuống các cửa khác, công việc cứ thể quay guồng. Nhiều lúc không biết nên làm gì trước. Bản thân tôi có những ngày không đi vệ sinh trong cả kíp trực, bận đến nỗi quên luôn cả nhu cầu của bản thân…"- Điều dưỡng Đô bộc bạch.
Có lẽ vì vị trí trực của anh Đô cũng rất đặc biệt, nhìn thẳng ra phía cửa, chứng kiến xe cứu thương xếp hàng dài ra tận cổng bệnh viện, hay những xe chở 4-5 cáng tử thi nối đuôi nhau. Số ca mắc, ca tử vong mỗi ngày cứ thế tăng lên… Tất cả những hình ảnh ấy càng hằn vào trí óc những nhân viên y tế ở khu vực tiếp đón như anh Đô.
Là tốp nhân viên y tế cuối cùng rời khỏi BVDC 16, giây phút chia tay ấy, anh Đô vừa vui vừa buồn. Vui vì có thể an toàn trở về với gia đình, buồn vì những khoảnh khắc chứng kiến trong hơn 2 tháng tại tâm dịch Sài Gòn.
Anh Đô bộc bạch: "Nói quên thì rất khó, những khoảnh khắc ấy như một vết hằn trên não, có những bệnh nhân tôi vẫn nhớ như in từng giọng nói từng khuôn mặt. Những ngày tháng tại tâm dịch Sài Gòn có lẽ không bao giờ quên…".
Mặc dù đã được cảnh báo số lượng bệnh nhân sẽ rất lớn nhưng những nhân viên y tế tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (BVDC13) trong những ngày đầu vẫn rơi vào thế "bị động" do quá tải.
Là trưởng nhóm phụ trách chăm sóc người bệnh Khu Hồi sức cấp cứu, điều dưỡng Nguyễn Trường Anh (Điều dưỡng trưởng khu vực Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) vẫn không khỏi áp lực khi chứng kiến số lượng bệnh nhân mình chăm sóc ra đi ngày một tăng.
"Ngày đầu tiên chỉ tiếp nhận khoảng hơn 20 ca, những ngày sau số bệnh nhân đã lên tới hàng trăm, có những lúc phòng tôi phụ trách tử vong tới 5-6 ca. Số ca mắc cứ tăng khiến áp lực với chúng tôi vô cùng lớn. Vừa phải nhanh chóng hoàn thành thêm buồng bệnh mới, vừa phải đảm bảo đúng quy trình. Chỉ cần thông báo lên Sở Y tế đã sẵn sàng đón người bệnh, chỉ vài tiếng sau khu vực mới đã chật cứng bệnh nhân" – điều dưỡng Trường Anh hồi tưởng.
Có những bệnh nhân được người nhà chở đến trong tình trạng ngừng tuần hoàn, trong khi không còn giường trống. Các nhân viên y tế phải cấp cứu ngay tại hành lang rồi nhanh chóng sắp xếp một vị trí nào đó để bệnh nhân được điều trị. Thế nhưng, những nỗ lực của nhân viên y tế không phải khi nào cũng đạt được kết quả như mong muốn, con số tử vong vẫn ngày một tăng lên.
Thậm chí, sau khi bước vào hoạt động, phải tới hơn nửa tháng sau Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 mới có những bệnh nhân ra viện đầu tiên. Rồi những lần bệnh nhân không hợp tác, áp lực cái nắng của Sài Gòn khiến nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kiệt sức… Nỗi sợ ca COVID-19 ngày một tăng.
Nỗi ám ảnh với những nhân viên y tế như anh Trường Anh tăng lên khi thực hiện khâu di chuyển thi thể. Mặc dù trước đây công việc phải tiếp xúc với nhiều trường hợp tử vong, nhưng chưa bao giờ những nhân viên y tế lại phải chứng kiến khung cảnh như vậy.
Trong những ngày "u ám" đó, vẫn có những tia sáng đến với các nhân viên y tế. Đó là những bệnh nhân thở máy sau nhiều lần điều trị tích cực đã có thể ra viện trở về bên gia đình.
"Có bệnh nhân nữ được con gái chở tới Trung tâm. Vừa kịp hỏi thông tin người con đã vội quỳ sụp xuống, khóc xin hãy cho người mẹ được nhập viện. Ngay lúc đấy tôi đã quỳ xuống đỡ họ dậy, nước mắt chỉ trực trào ra. Trong quá trình điều trị, có những lúc tưởng chừng như không thể cứu được, bệnh nhân cũng có lúc muốn buông. Tôi và các đồng nghiệp đã sử dụng mạng xã hội để kết nối hai mẹ con, tăng thêm sức mạnh tinh thần. Sau 25 ngày điều trị tích cực tại BVDC 13, người mẹ cuối cùng đã chiến thắng COVID-19, quay trở về bên gia đình. Đó là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn cho cả tập thể đội ngũ y bác sĩ trong những ngày chống dịch áp lực và khó khăn", anh Trường Anh kể lại.
Từ những tia hy vọng đó, các nhân viên y tế tiếp tục tìm cách chăm sóc cả về mặt sức khỏe đến tinh thần cho người bệnh. Họ tìm cách kết nối bệnh nhân và người nhà, những lời động viên như một liều thuốc bổ trong lúc nguy cấp. Chăm sóc bệnh nhân từ nhu cầu bữa ăn tới chuyện cắt tóc, gội đầu, hay thậm chí là cả những gói mỳ tôm lúc đói.
"Không phải một lần người nhà bệnh nhân quỳ xuống van xin chúng tôi, cũng không ít lần chúng tôi khóc sau ca trực. Nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên động viên nhau không được nản lòng, cố hết sức để cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Và sau những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, số lượng bệnh nhân nặng giảm số lượng bệnh nhân nhẹ và ra viện tăng lên. Khi từ Sài Gòn trở về, chúng tôi trở thành những người đồng chí, đồng đội. Có dịp gặp nhau vẫn cùng ôn lại những kỷ niệm. Giờ đây khi đại dịch đã lùi dần về phía sau, chúng ta có vaccine, có thuốc điều trị, chúng tôi càng thêm trân trọng những ngày tháng được sống trong trạng thái bình thường mới. Quá khứ có những niềm vui, nỗi buồn nhưng sẽ là kỷ niệm không thể quên với những nhân viên y tế như chúng tôi" – điều dưỡng Trường Anh tâm sự.
Mặc dù đại dịch đã qua đi, thế nhưng với hàng trăm nghìn nhân viên y tế, những khoảnh khắc chưa từng chứng kiến trong cuộc đời hành nghề khiến họ khó có thể quên được. Trong những năm tháng ấy, đã có những mất mát, đã có những hy sinh. Có thể hàng chục năm nữa, những câu chuyện giữa lằn ranh sinh tử vẫn sẽ được họ kể lại cho các thế hệ về sau. Không còn ám ảnh, không còn những áp lực mà thay vào đó là sự tự hào, tự hào về chút sức lực nhỏ bé đưa chúng ta về với thời bình.