Hà Nội

Không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

31-10-2020 08:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, có 3 hình thái thiên tai: Gió bão, lũ lụt và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Trước hết về gió bão, vấn đề này thường xảy ra ở khu vực biển với khoảng cách cự ly là 30-50 km từ bờ biển vào. Về giải pháp công trình, chúng ta thực hiện được. Qua khảo sát, nếu nhà có 3 cứng (sàn cứng, tường cứng, mái cứng) cơ bản là chịu được gió bão; nhà bị đổ chủ yếu nhà cấp 4, mái tôn, cổng chào, mái kính... Đối với hình thái thiên tai này, chúng ta đã có giải pháp công trình để có thiết kế cho phù hợp.

Thứ hai, về lũ lụt, theo ông Hùng, cách đây 7 năm, chúng ta đã có Quyết định số 48 về chương trình nhà ở vượt lũ cho đồng bào miền Trung. Thực tế, đã xây dựng được trên 3.200 ngôi nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ, vừa rồi phát huy tốt, khoảng 5-10m trên đỉnh lũ thì người dân và gia đình có thể rút lên đấy để cầm cự 10-15 ngày. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT nghiên cứu để nhân rộng, phát triển thêm mô hình này, chủ yếu cần nguồn lực. Đây cũng là một giải pháp khả thi thực hiện được.

Còn với lũ ống, lũ quét sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Giải pháp để phòng chống là gì? Đối với việc xây mới, quan trọng là lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000 nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Bộ Xây dựng  sẽ phối hợp  cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được.

Với những công trình đã xây dựng rồi, như nhà đang tồn tại thì giải quyết thế nào? Một là rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác như đã nói. Hai là cần có hướng dẫn, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ có hướng dẫn rất cụ thể để người dân và hộ dân có thể nhận được cảnh báo. Đối với lũ quét, sạt lở đất, người dân nên nhận được những chỉ dẫn rất đơn giản về vấn đề địa chất, thủy văn… trong bán kính khoảng 500 m. Hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ khác tiến hành những việc như thế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đợt thiên tai khốc liệt với 4 trận bão liên tiếp

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, trong đợt mưa lũ rất dài 1 tháng vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các nhà báo, có cả các nhà báo hy sinh, đã thông tin bão lũ kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân và góp phần làm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

Đợt thiên tai vừa rồi khốc liệt hơn đợt thiên tai năm 1999, xảy ra tại khu vực miền Trung với 4 trận bão liên tiếp, số 6, 7, 8, 9 trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất 20 năm vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây ra lượng mưa lớn hơn cả lịch sử năm 1999. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương, đưa tin kịp thời của thông tin báo chí, đến giờ này, thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999.

Báo chí quan tâm đến hoạt động của con người có làm tăng thêm thiên tai hay không? Cụ thể ở đây là những thiên tai gây ra thiệt hại lớn về tính mạng của người dân thời gian vừa qua đó là sạt lở đất, lũ ống và lũ quét.

Chúng ta đã được các chuyên gia về địa chất đánh giá rằng nguyên nhân chính khu vực miền Trung là một khu vực đồi núi cao, phân cách, về địa chất có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ nứt nẻ tạo ra các lớp vỏ phong hóa rất dày, nhiều đất sét, đây là điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, đặc biệt lâu ngày, nước chứa trong các lớp phong hóa này sẽ bị nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới.

Ngoài ra, là hoạt động dân sinh, khi chúng ta phát triển, cần phải mở đường, san ủi để có mặt bằng xây dựng nhà ở, trường học, xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó có cả các nhà máy thủy điện để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đây là những hoạt động tạo ra việc cắt taluy, mất chân sườn dốc, làm mất ổn định… Các hoạt động này là nguyên nhân kích hoạt để thiên tai có thể xảy ra.

Mất rừng có phải là nguyên nhân không? Cần đánh giá cụ thể rõ trong từng trường hợp cụ thể. Bởi vì như đã biết năm 2016 ở Yên Bái, chúng ta đã chứng kiến những trận sạt lở đất kinh hoàng ở khu vực rừng nguyên sinh. Khi đó, chúng ta đã chụp được những bức ảnh từ flycam rừng nguyên sinh sạt lở như vết hổ cào trên sườn núi. Do đó, có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thứ trướng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong vụ sạt lở đất vừa rồi, công trình thủy điện Rào Trăng 3 đang trong quá trình xây dựng thì xảy ra sự cố đáng tiếc. Thực tế vừa rồi, mưa lũ đều lớn hơn năm 1999 nhưng có thể nói chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung đã thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, điều hành, cắt được rất nhiều lượng nước. Nếu lượng nước này mà về hạ du thì diện ngập, mức độ ngập hơn mức năm 1999. Thời gian vừa rồi, chúng ta thấy chỉ có một số điểm ở mức lũ lịch sử thôi, còn ở hạ du đã được cắt lũ, diện ngập, độ sâu ngập thấp hơn đáng kể so với năm 1999.

Về đánh giá tác động môi trường cho các công trình thủy điện nhỏ, Bộ TN&MT, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia luôn luôn đánh giá thẩm định về các yếu tố tác động đến đặc thù, bao gồm các tác động đến rừng, thảm thực vật và đa dạng sinh học, đánh giá dòng chảy tối thiểu mà thủy điện trả lại cho hạ du và các yếu tố liên quan khác. Luật Lâm nghiệp đã có quy định hết sức chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng cho tất cả các loại dự án, không riêng gì các dự án thủy điện với các biện pháp hạn chế hết sức chặt chẽ. Việc bảo đảm trồng lại rừng, phát triển rừng, hiện nay một số nhà máy thủy điện đã bắt đầu nâng cao nhận thức, thực hiện vừa giữ nguồn sinh thủy cho khu vực nhà máy của mình vừa bảo đảm tránh sạt lở đất.

Trong thời gian tới, để giảm thiểu các nguy cơ này, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan đã tham mưu cho Chính phủ loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch và 213 điểm tiềm năng có thể xây dựng thủy điện cũng cần được xem xét hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, bảo đảm bền vững, tránh được những rủi ro thiên tai như trong thời gian vừa qua.


D.Hải (ghi)
Ý kiến của bạn