Không chủ quan với sốt xuất huyết cuối năm

29-11-2019 07:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh và có những diễn biến phức tạp. Bệnh nhân đông, vượt quá số giường bệnh mà các bệnh viện hiện có đã gây áp lực không nhỏ cho bệnh viện và đội ngũ y, bác sĩ điều trị, chăm sóc...

Chủ quan trong phòng bệnh

Anh Nguyễn Văn Phương (40 tuổi, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) vừa kết thúc 10 ngày điều trị bệnh sốt xuất huyết cho biết, anh sốt cao li bì 40oC, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu, xét nghiệm máu mới biết bị sốt xuất huyết. Đây là lần đầu tiên anh Phương mắc bệnh này.

Trong khi đó, anh Đinh Văn Hữu (33 tuổi, huyện Nhơn Trạch Đồng Nai) đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ 4 tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cho hay, anh làm công nhân tại một công ty trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, ở trọ trong dãy nhà trọ công nhân ẩm thấp và nhiều muỗi. Cho rằng sức khỏe tốt nên anh Hữu và nhiều công nhân khác thường ngủ không mắc màn, cũng không có biện pháp diệt muỗi. 2 ngày đầu tiên bị sốt cao, anh Hữu xin công ty nghỉ làm ở nhà, ra phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn huyện để khám. Tại đây, phòng khám tiến hành xét nghiệm máu, kết luận anh Hữu bị sốt xuất huyết và truyền 4 chai nước, cho 3 ngày thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, uống hết ngày thuốc đầu tiên, anh Hữu không cảm thấy khá hơn mà còn mệt mỏi, đau đầu, chán ăn. Anh quay lại phòng khám đa khoa tư nhân để khám, xét nghiệm máu, nhận thấy tiểu cầu của anh Hữu xuống quá thấp, phòng khám này mới chuyển anh vào Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.

Bác sĩ làm việc cật lực

BS. Trần Thị Hiên - phụ trách Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cho biết, khoa chỉ có 65 giường bệnh nhưng thời điểm hiện tại đang điều trị cho gần 80 bệnh nhân, trong đó hầu hết là bệnh sốt xuất huyết. Có những thời điểm bệnh nhân nhập viện đông lên đến gần 120 bệnh nhân, bệnh viện phải nằm ghép hoặc kê giường ra hành lang mới có đủ chỗ nằm. “Năm nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ca bệnh nặng hơn mọi năm nên các y, bác sĩ cũng vất vả hơn nhiều. Thông thường, các trường hợp sốt xuất huyết điều trị khoảng 7 ngày, ổn là có thể được xuất viện nhưng nay có những ca phải điều trị gần nửa tháng mới được xuất viện. Đặc biệt, có rất nhiều ca sốt xuất huyết điều trị ở phòng khám tư không khỏi, đến lúc bệnh nặng mới vào bệnh viện gây không ít khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị”, BS. Hiên chia sẻ.

BS. Đồng Minh Hùng - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, từ nhiều tháng nay, cả 2 khoa Nhiễm khu A và B của bệnh viện đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết. Những tuần gần đây, mỗi tuần Bệnh viện đa khoa Đồng Nai điều trị cho từ 1-3 ca bị sốc sốt xuất huyết. Bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết phải được truyền dịch, cao phân tử, truyền máu, thậm chí có lúc cần truyền tiểu cầu.

Theo diễn biến dịch tễ hàng năm, hiện đang là thời điểm ghi nhận số mắc cao tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có cả bệnh nhân người lớn và trẻ em, ngành y tế đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là người dân trong diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền sốt xuất huyết là rất quan trọng.


Hạnh Ly
Ý kiến của bạn