Các triệu chứng của hội chứng đuôi ngựa xuất hiện nhanh chóng và thường phối hợp với nhau ở nhiều mức độ: đau vùng thắt lưng hông, chi dưới, rối loạn cảm giác, vận động... Vậy biểu hiện cũng như nguyên nhân do đâu mà bị hội chứng đuôi ngựa?
Hội chứng đuôi ngựa, do đâu?
Vùng đuôi ngựa được tạo nên bởi toàn bộ các rễ thần kinh ở dưới chóp cùng của tủy sống, bao gồm các rễ từ thắt lưng 2 đến rễ cùng 5 (L2, L3, L4, L5, S1, S2, S3, S4 và S5) cộng thêm đôi rễ cụt. Những rễ vùng đuôi ngựa này đảm bảo chi phối vận động, cảm giác và dinh dưỡng của hai chi dưới, vùng đáy chậu, cơ quan sinh dục. Tất cả các trường hợp chèn ép ở vùng đuôi ngựa xuất hiện hoặc tiến triển nhanh đều là một cấp cứu ngoại khoa vì nguy cơ di chứng không hồi phục.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng đuôi ngựa, trong đó phải kể đến tình trạng thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng - đây là nguyên nhân chính của chèn ép vùng đuôi ngựa. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi lao động (35 - 55 tuổi), nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh thường diễn biến đột ngột, đôi khi không đau, có lúc lại phối hợp với đau thần kinh tọa dữ dội. Những triệu chứng thường ở một bên (một nửa hội chứng đuôi ngựa). Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm có thể do chấn thương cột sống; bê vác nặng hoặc sai tư thế; tuổi cao và một số bệnh lý cột sống bẩm sinh hoặc mắc phải như gai đôi, thoái hóa, gù vẹo cột sống cũng là yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm.
Hẹp ống sống cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc hội chứng đuôi ngựa. Theo thống kê, khoảng 15% các trường hợp đau rễ thắt lưng hông có liên quan đến hẹp ống sống. Bình thường, kích thước trước sau của ống sống thắt lưng khoảng từ 13 - 15mm, nếu kích thước trước sau dưới 13mm là hẹp ống sống. Người bệnh thấy đau hoặc dị cảm hai chân (đi khập khiễng cách hồi) xuất hiện sau một khoảng đi bộ một vài trăm mét (phải dừng lại) hay ở tư thế đứng lâu hoặc rối loạn cơ tròn bàng quang. Nguyên nhân bao gồm hẹp ống sống bẩm sinh, nặng lên do thoái hóa và thoát vị đĩa đệm; gãy hoặc xẹp đốt sống; viêm đốt sống; quá phát dây chằng vàng.
U dây thần kinh vùng đuôi ngựa cũng là nguyên nhân trong màng cứng hay gặp của hội chứng đuôi ngựa. Hầu hết các trường hợp u dây thần kinh vùng đuôi ngựa đều có kết quả tốt khi cắt bỏ sớm khối u. Ngoài ra, u ống nội tủy vùng đuôi ngựa cũng gây ra tình trạng hội chứng đuôi ngựa. Đây là loại u hay gặp, được sinh ra từ vùng tận cùng của tủy sống và tổn thương tăng dần, chiếm toàn bộ túi cùng thắt lưng làm cho phẫu thuật khó khăn.
Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng - đây là nguyên nhân chính của chèn ép vùng đuôi ngựa .
Dấu hiệu nhận biết
Người bệnh cảm thấy đau hoặc dị cảm ở một hoặc hai bên chân; đôi khi khu trú ở vùng hậu môn hoặc đáy chậu; tăng lên khi gắng sức (ho, đại tiện) và khi thay đổi tư thế. Mất cảm giác có thể gặp ở toàn bộ một hoặc hai chân, ở vùng đáy chậu (mất cảm giác vùng yên ngựa) đôi khi mất cảm giác đại tiểu tiện.
Giảm vận động ở một hoặc hai chân với mất phản xạ gân gót, gối và phản xạ da gan bàn chân (không phải là dấu hiệu Babinski khi tổn thương bó tháp mà đây chỉ là một hội chứng ngoại biên đơn thuần). Bệnh nhân gặp những rối loạn về cơ tròn như tiểu không kìm được hoặc bí tiểu, bí đại tiện, liệt dương. Những rối loạn dinh dưỡng biểu hiện loét vùng cùng cụt hoặc gót chân trong những thể liệt nặng.
Tùy theo vị trí tổn thương, có thể gặp hội chứng đuôi ngựa hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Trên thực tế, có thể gặp 3 hội chứng đuôi ngựa gồm: Hội chứng đuôi ngựa trên (liệt ngoại biên toàn bộ ở hai chân, rối loạn cảm giác hai chân từ nếp bẹn trở xuống, rối loạn cơ tròn ngoại biên), thể này ít gặp vì thoát vị đĩa đệm ở đoạn cao (L1 - L2 và L2 - L3) ít khi xảy ra. Hội chứng đuôi ngựa dưới do thoát vị đĩa đệm L5 - S1: biểu hiện rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân. Hội chứng đuôi ngựa giữa thường gặp do thoát vị đĩa đệm L3 - L4 và L4 - L5 biểu hiện: liệt gấp cẳng chân, liệt các động tác của bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân, cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi và mông, rối loạn cơ tròn.
Lời khuyên cho bệnh nhân
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng than phiền về tình trạng đau nhức dữ dội, tê buốt ở khu vực cột sống lan xuống 2 chân, đi lại sinh hoạt hàng ngày khó khăn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hầu như chỉ khi thật sự không chịu nổi tình trạng đau đớn bệnh nhân mới tìm đến bác sĩ để chữa trị. Lúc này, nhiều bệnh nhân đã có những triệu chứng nặng nề như đau nhức nhiều, không đi lại được, mất cảm giác 2 chân, tiêu tiểu khó, teo cơ mông và cả 2 chân... gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị và khả năng hồi phục kém.
Mặt khác, nhiều bệnh nhân điều trị không đúng phương pháp như bó thuốc, châm cứu không đúng cách, uống thuốc không rõ nguồn gốc gây tốn kém về tài chính, thời gian điều trị, thậm chí người bệnh còn phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng của việc điều trị không dựa trên cơ sở khoa học. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh lý ở cột sống, nên có chế độ làm việc, sinh hoạt hợp lý, không nên gắng sức, tránh những động tác cúi quá mức của cột sống. Khi có bất kỳ dấu hiệu như đau nhiều vùng cột sống thắt lưng, tê bì chân, teo cơ, hạn chế vận động, rối loạn tiểu tiện thì nên đến khám ngay, không được tự ý mua thuốc về uống, tự điều trị theo phương pháp dân gian mà hãy đến các cơ sở y tế đúng chuyên khoa để khám và có phương án điều trị phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, đối với những trường hợp bệnh nhân đã từng được chẩn đoán thoát vị mà làm công việc lao động nặng, quá sức sẽ dễ bị thoát vị nặng hơn.
Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, cần tránh ngồi quá lâu hoặc ngồi sai tư thế; tránh mang hay vác nặng, chấn thương cột sống; tránh các động tác cúi gập người tối đa, sau đó ngửa ra đột ngột sẽ gây rách vòng xơ bao quanh nhân nhầy đĩa đệm làm nhân nhầy thoát ra và chèn ép vào rễ thần kinh vùng đuôi ngựa; tránh tăng cân, béo phì...
Với những bệnh nhân được điều trị phẫu thuật, cần nghỉ ngơi hợp lý trong vòng 1 tháng đầu, đi lại nhẹ nhàng sau mổ 48 giờ nhưng nên mang theo áo nẹp ở lưng. Những tháng tiếp theo, bệnh nhân có thể làm những công việc nhẹ nhàng và tập luyện tăng dần.