Hà Nội

Không chủ quan với cúm gia cầm

23-11-2014 19:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm đang xuất hiện ở châu Âu, đặc biệt là việc Trung tâm Phòng, chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu...

Trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm đang xuất hiện ở châu Âu, đặc biệt là việc Trung tâm Phòng, chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) kêu gọi các nước giám sát chặt tình trạng virut cúm gia cầm chủng H5N8 xuất hiện và lây lan ở châu Âu. Vậy tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch cúm gia cầm nói riêng được triển khai như thế nào, phóng viên báo SK&ĐS đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Xuất hiện các biểu hiện cúm liên quan đến tiếp xúc gia cầm, người dân đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời

Trước diễn biến tình hình cúm gia cầm chủng H5N8 tại châu Âu và các chủng cúm khác tại một số nước khu vực châu Á, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức quốc tế tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch cúm A/H5N8 trên gia cầm và ở người để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật châu Âu, thế giới chưa ghi nhận trường hợp mắc chủng cúm này ở người, tuy nhiên virut có thể lây truyền từ gia cầm sang người. Những người có nguy cơ cao nhiễm chủng virut này là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ hoặc xử lý gia cầm nhiễm bệnh. Do đó, các chuyên gia y tế cho rằng, dù chưa ghi nhận ca bệnh nhưng người sau khi phơi nhiễm cần được theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh cũng như để xác định không bị nhiễm virut trong quá trình làm việc.

Để chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương; nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân nói chung, trong đó có dịch cúm gia cầm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để người dân nâng cao ý thức trong phòng chống dịch.

TS. Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT: Người dân cần chủ động phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở nước ta cơ bản đã được khống chế. Đến nay cả nước không ghi nhận các ổ dịch về cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh trên gia súc. Tuy nhiên, những tháng cuối năm là thời điểm nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại do virut vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, diễn biến thời tiết bất thường dễ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và đặc biệt việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm gia tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới... nên không loại trừ khả năng phát sinh dịch bệnh.

Trong khi đó, kết quả xét nghiệm cho thấy, virut cúm A/H5N8 ghi nhận tại Anh và Hà Lan có cấu trúc gen tương tự như virut phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 1/2014 và bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các virut bao gồm cả virut cúm gia cầm A/H5N1 đang lưu hành ở khu vực châu Á. Mặc dù, hiện Việt Nam chưa ghi nhận chủng virut cúm mới này nhưng nguy cơ xuất hiện ở Việt Nam cũng rất cao, nên người chăn nuôi nói chung và người dân không nên chủ quan. “Các nguyên tắc phòng chống dịch cúm nói chung khi người dân phát hiện gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương cơ sở để xử lý kịp thời, không nên tự ý giết mổ gia cầm, tiêu thụ gia cầm ốm, chết” - ông Thành nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn