Không chủ quan với bệnh bạch hầu

26-06-2020 17:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Bạch hầu là loại bệnh hiếm gặp nhưng thời gian gần đây, tỉnh Đăk Nông liên tiếp xuất hiện ổ bệnh bạch hầu trong các khu dân cư, trong đó có 1 ca tử vong do bạch hầu ác tính biến chứng tim. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mọi người cần chủ động phòng ngừa.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Khi cơ thể bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở: mũi, họng, lưỡi, đường thở (khí quản). Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây bệnh bạch hầu.

Ai dễ mắc bệnh?

Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Ở những địa phương này, trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu có thể kể đến gồm: Các đối tượng không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; Đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc-xin bạch hầu; Bị các rối loạn miễn dịch (như nhiễm HIV/AIDS); Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.

Tính đến nay, có 12 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đăk Nông, các ổ dịch bệnh bạch hầu thời gian gần đây thường xuất hiện tại các khu dân cư có điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, phần lớn người Mông ở các khu vực xảy ra dịch bệnh có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Chưa kể việc xác định nguồn lây bệnh đang gặp khó vì các trường hợp mắc bệnh đều không di chuyển khỏi địa phương (14 ngày theo quy định).

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.

Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm: sốt, ớn lạnh, sưng các tuyến ở cổ, ho có tiếng ông ổng, viêm họng, sưng họng, da xanh tái, có cảm giác lo lắng, sợ hãi...

Biến chứng của bệnh

Sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2-5 ngày, trẻ thường biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ. Giai đoạn sớm khi chưa có giả mạc ở mũi họng, bệnh nhân có thể bị nhầm lẫn với các chứng đau họng khác.

Khi bệnh tiến triển sẽ có thêm các triệu chứng như khó nuốt, khó thở, nhiều trẻ biểu hiện nặng với da xanh, nhịp tim rối loạn, liệt thần kinh. Biến chứng bạch hầu thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỷ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Bệnh có thể khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.

Khống chế bệnh bạch hầu nhờ vắc-xin

Trước đây bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc-xin dự phòng. Năm 1923, vắc-xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu từng lưu hành ở các địa phương trên cả nước, tuy nhiên từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và hằng năm chỉ ghi nhận dưới 20 trường hợp mỗi năm. Đa số là trường hợp tản phát hoặc ổ bệnh bạch hầu nhỏ trên quy mô thôn, xã. Bệnh thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Do bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta nên mọi người vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin và tiếp xúc với mầm bệnh.

Hiện nay, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Trẻ nhỏ cần được tiêm 3 mũi cơ bản và tiêm mũi nhắc lại (lúc 18 tháng tuổi) để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cao nhất. Cha mẹ hoặc người thân nên đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vắc-xin phòng uốn ván và ho gà (vắc-xin DPT) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vắc-xin 5 trong 1, vắc-xin 6 trong 1.

Lịch tiêm có thành phần bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng như sau:

Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi

Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.

Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.

Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

BS. Ánh Hồng
Ý kiến của bạn