Không chủ quan vì đang ở thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển

05-10-2020 14:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 2/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 774 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), xuất hiện ở hầu hết các địa phương, tập trung chủ yếu tại các huyện Đức Trọng, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Trong đó, huyện Đức Trọng có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh với có 287 ca, tăng trên 50 ca so với tuần trước, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Liên Nghĩa với trên 180 ca và rải rác tại các xã Phú Hội, Liên Hiệp và Tân Hội.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9/2020, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 31 trường hợp mắc SXH và chưa có trường hợp nào tử vong. Trong đó, riêng tháng 9/2020, toàn tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận 19 trường hợp mắc mới. Điều đáng nói là đã ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ thuộc phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình); xã Gia Thịnh, Gia Lập (huyện Gia Viễn); thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) và xã Lạc Vân (huyện Nho Quan). Như vậy, trong tháng 9, số ca mắc SXH mới đã tăng đáng kể so với các tháng trước.

Tại Hải Dương, tính đến ngày 23/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh ghi nhận 4 ổ dịch SXH với 36 ca mắc. 4 ổ dịch là TP. Hải Dương, huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và Thanh Miện. Sau năm 2017 xuất hiện dịch SXH trên địa bàn tỉnh Hải Dương, liên tiếp 2 năm 2018, 2019, Hải Dương không ghi nhận ca mắc SXH. Đến năm 2020, 7 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 7 ca, tháng 8 ghi nhận 13 ca và 23 ngày của tháng 9 ghi nhận 16 ca mắc.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 ca mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, đã ghi nhận thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc. Tuy số ca mắc giảm 65 ca so với tuần trước, nhưng xu hướng chung các tuần gần đây vẫn đang tăng, ca mắc lan rộng ra các quận nội thành.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình.

Trước tình hình dịch SXH có diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở trong nước và trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế huyện, thành phố khẩn trương khoanh vùng, xử lý triệt để các ca bệnh và ổ dịch nội sinh. Đồng thời, tích cực triển khai công tác giám sát tại cộng đồng, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng. Tiếp tục tuyên truyền các cấp, các ngành liên quan và cộng đồng dân cư chủ động phòng chống các dịch bệnh bằng việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống, vệ sinh thân thể, diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn, thực hiện ăn chín, uống sôi, thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, số ca mắc và tử vong do SXH trên cả nước có tỉ lệ thấp nhất trong 10 năm qua và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc giảm 65,6%, tử vong giảm giảm 82%. Số mắc ghi nhận chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam, chiếm 90% số mắc toàn quốc. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan với dịch SXH. Trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người, nên số ca mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Để phòng chống SXH, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Đồng thời, khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.


Hoàng Anh
Ý kiến của bạn