Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động ngành thú y cho thấy virus cúm A/H5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh. Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Thêm vào đó, hiện nay đã bắt đầu bước vào “mùa” của sốt xuất huyết (SXH) nên nhiệm vụ đối với ngành y tế vẫn nặng nề.
Cảnh giác với cúm gia cầm
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chúng ta không được chủ quan mà cần hết sức cảnh giác.
Ngoài COVID-19, cần cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết đã đến mùa. Ảnh A.V
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch COVID-19 hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ nên ngành chăn nuôi không được lơ là, chủ quan để bùng phát dịch cúm gia cầm bởi cảnh dịch chồng dịch sẽ vô cùng phức tạp và áp lực. Theo ngành nông nghiệp, với tổng đàn gia cầm cả nước hiện gần 500 triệu con, do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm bùng phát ở một số điểm nên phải tiêu hủy trên 100 nghìn con so với gần 500 triệu con, tỷ lệ không đáng kể và không ảnh hưởng tới nguồn cung gia cầm tại Việt Nam hiện nay.
Thực tế, dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát lẻ tẻ tại một số địa phương trong nhiều năm qua, chủ yếu do người dân lơ là, chủ quan không tiêm phòng. Nhưng về cơ bản các ổ dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ từ năm 2014 đến nay đều được khoanh vùng, khống chế thành công, không để lây lan trên diện rộng.
Theo Công văn số 1654 Bộ NN-PTNT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 43 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 38 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế phải chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người, chủ động giám sát tại cộng đồng; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Một mặt cần đảm bảo đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến.
Không chủ quan với SXH
Tại Hà Nội, theo quy luật hằng năm, thời điểm hiện nay đã bắt đầu xuất hiện SXH, lãnh đạo thành phố yêu cầu cần tiếp tục công tác phòng ngừa và phun thuốc diệt muỗi phòng SXH. Tiếp tục tuyên truyền người dân không để các thiết bị, vật dụng tạo môi trường cho muỗi phát triển; đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh SXH và cúm gia cầm, quyết tâm không để dịch chồng dịch. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 27/4 đến 6/5, trên địa bàn ghi nhận 2 trường hợp mắc SXH. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 104 ca mắc SXH, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố giảm 55%. Thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các địa phương bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch phòng chống SXH.
Tại các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh SXH thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Còn ở các tỉnh phía Nam, dịch có thể xảy ra quanh năm. BS. Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, BVĐK Thanh Nhàn, Hà Nội thông tin, từ đầu năm đến nay tại khoa chưa tiếp nhận trường hợp mắc SXH. Tuy nhiên, bệnh viện đã sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân SXHt vào mùa mưa sắp tới. BS. Đào cũng cho hay, do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, nên một người có thể mắc SXH đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, lần mắc sau thường nặng hơn lần trước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh SXH, nhất là giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Cùng với đó, quyết liệt triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy...
Ông Hoàng Ðức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi mong muốn mỗi người dân sẽ trở thành một cộng tác viên của ngành y tế, tự biết cách phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Mỗi người, mỗi tuần bỏ ra 10-15 phút để kiểm tra trong khuôn viên gia đình, nhằm phát hiện các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và loại bỏ chúng. Sự chung tay của toàn xã hội sẽ là chìa khóa của sự thành công trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.