Virut này tấn công và hủy hoại lá gan có thể gây viêm gan cấp tính và mạn tính. Bệnh có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.
HBV có tỉ lệ gây lây nhiễm gấp 100 lần so với HIV, là yếu tố gây ung thư đứng hàng thứ 2 chỉ sau thuốc lá và là nguyên nhân gây ra 60-80% trường hợp ung thư gan nguyên phát cũng như 50% trường hợp xơ gan ở người.
HBV là loại virut sống rất dai. Chúng thậm chí có thể sống trong máu khô nhiều ngày. Chính vì vậy, mọi người sẽ dễ bị nhiễm HBV nếu tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của cơ thể người bệnh qua vết thương ở da hoặc niêm mạc.
3 hình thức lây nhiễm HBV thường gặp là:
Lây nhiễm trực tiếp từ mẹ sang con (hay còn gọi là lây nhiễm theo chiều dọc): Người mẹ nhiễm virut viêm gan siêu vi B có thể lây cho thai nhi với tỉ lệ lên đến 90% nếu như bé không được tiêm huyết thanh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
Lây nhiễm qua đường máu và các vật phẩm của máu: Máu và vật phẩm của máu là yếu tố lây nhiễm quan trọng nhất vì có trữ lượng HBV cao. HBV có thể lây qua các trường hợp như truyền máu, phẫu thuật, sử dụng chung kim tiêm (tiêm chích ma túy). Ngoài ra, dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có khả năng mắc bệnh.
Lây nhiễm qua đường tình dục: HBV được tìm thấy trong tinh dịch và dịch âm đạo với nồng độ thấp hơn so với trong huyết tương khoảng 100 lần. Tuy vậy, các hành vi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn cũng rất dễ bị lây nhiễm.
Nghiên cứu cho thấy trong nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân,... của người bệnh cũng có chứa loại virut này nhưng với nồng độ rất thấp, do đó khả năng lây nhiễm qua các dịch này là không cao.
Tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để phòng bệnh.
Không chủ quan khi virut viêm gan B ở “thể ngủ”
Viêm gan B được coi là căn bệnh “sát thủ thầm lặng” bởi tính âm thầm tấn công gan và phát bệnh đôi khi không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài. Do đó, nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh, đến khi cấp cứu thì bệnh đã trở nên trầm trọng, thậm chí chớm xơ gan.
Khi HBV xâm nhập cơ thể người, nếu cơ thể đó chưa có miễn dịch chống HBV thì nguy cơ bị virut tấn công là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên không phải cứ nhiễm HBV thì sẽ gây bệnh cho gan. Chỉ khi virut nhân lên ồ ạt, kích thích miễn dịch cơ thể, tấn công tế bào gan mạnh mẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho gan và cơ thể.
Virut viêm gan B tồn tại trong cơ thể nhưng chưa phá hủy tế bào gan, xét nghiệm men gan bình thường thì gọi là nhiễm HBV thể lành tính (thể ngủ). Tuy vậy, virut HBV tồn tại trong cơ thể, vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác bằng đường máu hoặc theo đường tình dục, mẹ truyền cho con. Virut chỉ tạm thời không hoạt động, có thể bùng phát tái hoạt động bất cứ lúc nào, nhất là khi sức đề kháng kém, khả năng chống chọi với virut bị giảm.
Thực tế, phần lớn những người bị nhiễm HBV ở thể ngủ có tâm lý chủ quan. Việc duy trì thói quen ăn uống không có lợi như ăn thức ăn nhiều dầu mỡ; sử dụng bia, rượu; lười kiểm tra sức khỏe thường xuyên... có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ virut tái hoạt động mạnh mẽ gây tổn thương đến gan.
Viêm gan virut B là một căn bệnh có diễn tiến phức tạp, không có triệu chứng rõ ràng và khi gan bị tổn thương có nguy cơ dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, những người lành mang virut hay người viêm gan virut mạn tính thể không hoạt động vẫn cần có những biện pháp phòng bệnh, tránh để virut hoạt động trở lại.
Khi người lành mang HBV tạm thời virut không hoạt động, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của gan, không cần điều trị bất kỳ một loại thuốc nào. Hiện nay, thuốc tây y chỉ có tác dụng ức chế HBV phát triển ồ ạt với bệnh viêm gan B cấp và mạn. Vì thế, việc duy trì sức khỏe tốt để ngăn chặn sự bùng phát của HBV đòi hỏi người mang virut phải hết sức lưu ý, không được chủ quan. Đầu tiên là giữ sức khỏe tốt, tăng cường sức đề kháng, không để virut có cơ hội nhân lên. Tuyệt đối kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn; Không hút thuốc lá, hạn chế mỡ động vật. Tham gia các môn thể thao như: thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi hoặc chơi cầu lông để tăng cường thể lực.
Để phòng chống lây nhiễm cho người thân và cộng đồng, người mang virut khi sinh hoạt tình dục cần sử dụng bao cao su, không hiến máu, không sử dụng chung các dụng cụ như dao cạo râu, bơm kim tiêm...
Nên kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm định kỳ 6 tháng một lần có liên quan đến HBV như: HBsAg, HBeAg, HBVDNA và xét nghiệm men gan để được theo dõi thật chặt chẽ đề phòng HBV tái hoạt động.
Tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành là cách tốt nhất để phòng bệnh.