Một buổi chiều giữa tháng 6 nóng nực, tại căn phòng trọ rộng chưa đầy 15m2, chị Lụa đang cùng chồng thu dọn những món đồ gia dụng cuối cùng cho vào thùng caton để chuẩn bị trả phòng, về quê sinh sống.
Chị Lụa làm nhân viên gội đầu cho một quán cắt tóc gần nhà trọ (Cầu Giấy, Hà Nội) còn chồng chị làm tài xế xe ôm công nghệ. Thu nhập của cả gia đình mỗi tháng vào khoảng 12-13 triệu đồng.
Chị Lụa cho biết, trước dịch, rồi giữa dịch, cũng không khi nào khó khăn như lúc này, khi mà mọi mặt hàng đều tăng giá chóng mặt.
“Giữa dịch, cứ tháng nghỉ tháng đi làm, có tháng cả 2 vợ chồng cùng nghỉ nhưng cũng chưa đến mức khó khăn như mấy tháng gần đây. Cứ đà này, cố bám trụ ở Hà Nội thì không ngày nào tôi được ngủ ngon”, chị Lụa thở dài.
Các khoản chi phí hàng tháng bao gồm tiền thuê phòng khoảng hơn 3 triệu đồng (cả điện nước), chi phí học và ăn bán trú của 2 con nhỏ mỗi tháng cũng khoảng 3 triệu đồng. Chỉ hai khoản này đã ngốn nửa thu nhập của cả hai vợ chồng, chưa kể đến hàng trăm khoản không tên khác.
Xăng dầu tăng liên tục kéo theo các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng giá mạnh khiến chi phí hàng ngày của gia đình cũng tăng lên đến mức chị khó lòng chống đỡ.
“Từ mớ rau, cân thịt, gạo rồi dầu ăn, nước mắm đều tăng từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng. Đến mớ rau muống cũng tăng từ 5.000 đồng lên 13.000 - 14.000 đồng. Trứng gà cũng tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng mỗi quả”, chị than thở.
Trong khi đó mức lương 4,5 triệu đồng chị nhận được vẫn y nguyên không tăng đồng nào. Chồng chị chạy xe buổi đực buổi cái, hôm thì được vài ba trăm nghìn, hôm nào xe hỏng có khi còn âm cả tiền.
Đi làm, đi học cả ngày, tối về cả nhà 4 người lại chui vào phòng trọ chật chội: “Mấy ngày này thời tiết ở Hà Nội nóng quá. Nhiều đêm nằm không ngủ nổi, thương lũ trẻ đêm nào cũng kêu nóng mà ứa nước mắt”, chị Lụa chia sẻ.
Thấy rằng, cứ cố mãi như thế này cũng chẳng để làm gì, rồi cũng tay trắng. Không muốn chịu khổ nữa, chị Lụa bàn với chồng về quê, nhà cửa, ruộng vườn rộng rãi, không khí trong lành, các cháu có ông bà trông nom, chi phí học hành cũng rẻ.
Chị Lụa nhẩm tính, nếu về quê, ít nhất cũng tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng thuê nhà và 3 triệu đồng tiền học bán trú mỗi tháng của 2 đứa con. Hơn nữa, thịt cá hay rau, quả ở quê đều rất rẻ và sẵn, có thể giúp hai vợ chồng tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Ngoài ra, còn có thể nhờ cậy ông bà đưa, đón các con của chị mỗi ngày.
Với gia đình chị lúc này, quyết định về quê sinh sống có lợi đủ đường. Thay vì phải khổ sở ở lại thành phố chật chội, nóng nực, đắt đỏ.
Trong khi đó, anh Xuân Nghĩa (Tuyên Quang) cho biết, vợ con anh đã về quê sinh sống từ cuối năm trước. Còn anh hết tháng này cũng sẽ về quê, tìm việc gần nhà để làm cho gần vợ gần con.
Thời gian trước, giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả hai vợ chồng anh Nghĩa thất nghiệp nằm nhà. Lúc đó anh Nghĩa đăng ký đi làm xe ôm công nghệ để gồng gánh cả gia đình.
“Lúc đó tôi nghĩ dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm qua đi, cứ cố một tí, dù vất vả nhưng vợ chồng con cái được ở bên nhau. Ai ngờ dịch bệnh kéo dài được gần 2 năm, không trụ nổi nữa nên tôi cho vợ con về quê. Còn mình tôi ở lại Hà Nội cày cuốc kiếm tiền gửi về nhà”, anh Nghĩa nói.
Nhưng đến bây giờ, xăng tăng giá, hàng hóa thứ gì cũng tăng giá, đến suất cơm hàng ngày cũng tăng giá thêm 5.000 - 10.000 đồng. Hãng xe ôm công nghệ anh chạy cũng tăng thêm chiết khấu.
"Nếu mỗi ngày tôi chạy được 500.000 đồng thì phải chiết khấu cho hãng xe công nghệ 160.000 đồng, tiền xăng xe hết khoảng 100.000 đồng. Nếu tính cả tiền ăn, uống, sửa xe, khấu hao xe thì mỗi ngày thì thu nhập chẳng còn được là bao", anh Nghĩa nhẩm tính.
Xa vợ xa con, một mình mưu sinh tại thành phố giữa “cơn bão” giá mà chẳng kiếm được là bao. Cộng thêm việc thời tiết mấy ngày nay khắc nghiệt, nắng, nóng khiến anh càng nản lòng. Vì thế, anh đã quyết định hết tháng 6/2022 sẽ trả phòng, về quê xin làm công nhân hoặc phụ bếp tại khu công nghiệp gần nhà.
Câu chuyện của các gia đình trên chỉ là một trong số rất nhiều lao động tự do từ nông thôn lên thành phố để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh, vật giá leo thang, tiền nhà trọ, tiền ăn uống đều tăng mạnh khiến không ít người có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng quá chật vật trước những đợt bão giá, họ lại “gồng gánh” nhau trở về quê, tìm cho mình công việc mưu sinh mới.
Xem thêm video đang được quan tâm
Đừng để cháy nắng làm hỏng làn da của bạn.