Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh (đặc biệt là học sinh cấp trung học cơ sở trở lên) sử dụng xe đạp điện, xe máy điện ngày càng phổ biến bởi đây là loại phương tiện nhỏ gọn, dễ sử dụng và đặc biệt là không cần bằng lái. Tuy nhiên, bên cạnh tiện ích thì hiểm họa về tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này cũng rất khó lường.
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe máy điện là loại xe được dẫn động bằng động cơ điện với công suất không vượt quá 4kW. Vận tốc tối đa của xe phải dưới 50 km/h. Xe máy điện tương đương với xe máy 50cc nếu xét theo khả năng vận hành. Vì vậy quy định về độ tuổi sử dụng 2 loại phương tiện này là như nhau. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh không vượt quá 50cc.
Các trường hợp vi phạm quy định về độ tuổi điều khiển xe máy điện sẽ bị xử phạt như sau: Người dưới 16 tuổi lái xe máy điện sẽ bị phạt cảnh cáo, dựa theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong khi đó, người giao xe máy điện cho người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt hành chính từ 800.000 – 2.000.000đ, dựa theo Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cũng liên quan đến vấn đề giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Ủy ban ATGT Quốc gia vừa tổ chức 1 "Mô hình phiên tòa giả định" gắn với vấn đề này để phụ huynh và học sinh nhận thức rõ hành vi vi phạm luật giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo phiên tòa giả định, Bùi Văn T. và Nguyễn Đăng V. cùng nhau uống rượu ngoài quán. Sau đó, T. giao xe máy cho V. cầm lái (V. chưa đủ tuổi điều khiển), hậu quả gây tai nạn giao thông làm 1 người đi đường tử vong.
Kết quả cho thấy, Nguyễn Đăng V. đã vi phạm Điểm a và b tại khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) phạt tù từ 3 - 10 năm; Còn Bùi Văn T. đã vi phạm Điểm a Khoản 1 Điều 264 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển với khung hình phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Nhiều ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi 1 nhóm quái xế (độ tuổi thanh thiếu niên) gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm 1 cô gái tử vong.
Đây chỉ là 1 trong nhiều vụ việc đau lòng, gây tại nạn thương tâm mà nhiều người trong nhóm "quái xế" điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi lái xe. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ bản thân các phụ huynh khi đã giao xe cho con sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, hầu hết phụ huynh đều đưa ra lý do chung như nhà xa, con phải đi học thêm nhiều, con đi xe máy để chủ động hơn trong việc đi lại, học tập...
Ngày 7/11, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an thành phố điều tra, xác minh, khẩn trương xử lý nghiêm minh vụ việc nêu trên bảo đảm đúng người, đúng tội (kể cả đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông) theo đúng quy định của pháp luật...
Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, trong tháng 10, lực lượng chức năng đã xử lý 7.614 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông thuộc nhóm lứa tuổi học sinh. Trong đó, hơn 6.600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, gần 1.400 trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện, tiến hành tạm giữ 3.495 phương tiện các loại. Lực lượng chức năng cũng xử lý 453 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Xem thêm video được quan tâm:
CSGT Hà Nội ra quân thực hiện cao điểm xử lý học sinh và phụ huynh vi phạm giao thông.