1. Dâu tây rất giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các phân tử giúp chống lại stress oxy hóa được gây ra bởi các gốc tự do. Chúng làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh và làm tăng nguy cơ gây ra nhiều bệnh mạn tính.
Chất chống oxy hóa có thể được cung cấp qua thực phẩm. Cách tốt nhất để bổ sung chất chống oxy hóa là sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Theo BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, trái cây là thực phẩm tự nhiên cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa.
Đặc biệt, các chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có nhiều trong các loại trái cây giàu vitamin A, C, E, beta-carotene, lycopene và selen giúp ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thương gây ra bởi các gốc tự do, có thể hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh như: ung thư, đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ.
Các loại quả mọng như: việt quất, mâm xôi, dâu tây, dâu đen, dâu tằm… chứa nhiều flavonoid, hợp chất thực vật chống oxy hóa có liên quan đến việc giảm tỷ lệ phát triển bệnh tim và ngăn ngừa ung thư.
Một trong những tác dụng nổi bật của dâu tây là chất chống oxy hóa. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một số chất chống oxy hóa được tìm thấy trong dâu tây bao gồm vitamin C và carotenoids lutein và carotene. Ngoài ra, dâu tây còn là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ khác có lợi cho sức khỏe.
Dâu tây có chứa một loại chất chống oxy hóa gọi là anthocyanins, chính chất này mang lại màu đỏ cho chúng. Dâu tây càng có màu đỏ tươi càng có hàm lượng anthocyanin cao.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, anthocyanins có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) và tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt).
2. Nguồn cung cấp vitamin C hỗ trợ tăng cường miễn dịch
Một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất được tìm thấy trong dâu tây là vitamin C, một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe tổng thể, đặc biệt là khả năng chống lại mầm bệnh của hệ thống miễn dịch.
Chỉ cần một cốc dâu tây là có đủ lượng vitamin C cần thiết trong một ngày, chưa kể nó còn chứa nhiều chất chống oxy hóa có lợi và các chất dinh dưỡng khác.
3. Các hợp chất được tìm thấy trong dâu tây có thể giúp giảm viêm
Viêm là một phản ứng bình thường của hệ miễn dịch cơ thể. Đây là cách cơ thể chống lại nhiễm trùng và đẩy nhanh quá trình chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm xảy ra trong một thời gian dài, hệ miễn dịch của cơ thể luôn trong tình trạng chống lại các chất gây viêm còn gọi là viêm mạn tính, thì nó có thể thúc đẩy các bệnh mạn tính như: tim mạch, đái tháo đường, viêm khớp, ung thư…
Theo nghiên cứu, với hàm lượng cao flavonoid và chất chống oxy hóa trong trái cây có thể có tác dụng tích cực đối với các dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể.
Các loại quả mọng như: dâu tây, dâu đen, quả việt quất, quả mâm xôi… có chứa chất chống oxy hóa gọi là anthocyanins. Các hợp chất này có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Sắc tố giúp dâu tây có màu sắc rực rỡ là anthocyanin có đặc tính chống viêm. Kết quả từ một thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy, ăn dâu tây có thể giúp giảm lượng đường trong máu và giảm viêm, đặc biệt là khi tiêu thụ trong vòng hai giờ sau bữa ăn.
4. Dâu tây chứa các chất có ích cho hoạt động của não bộ
Các chất chống oxy hóa anthocyanin, axit caffeic, catechin và quercetin có trong quả mọng như dâu tây có nhiều tác động tích cực đến não bộ, bao gồm: cải thiện giao tiếp giữa các tế bào não, giảm viêm khắp cơ thể, tăng độ dẻo, giúp các tế bào não hình thành các kết nối mới. Đồng thời có thể làm giảm hoặc trì hoãn các bệnh thoái hóa thần kinh liên quan đến tuổi tác và suy giảm nhận thức.
Hàm lượng vitamin C, anthocyanidin và flavonoid cao trong dâu tây có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng mất trí liên quan.
5. Có lợi cho sức khỏe đường ruột
Mặc dù dâu tây được biết đến nhiều nhất với hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa, nhưng nghiên cứu mới hơn hiện cũng cho thấy, các polyphenol trong dâu tây có khả năng có hoạt tính tiền sinh học, có nghĩa là chúng giúp thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn sinh học có lợi trong ruột.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa anthocyanin trong dâu tây và các đặc tính tiền sinh học, cho thấy mối quan hệ hai chiều giữa anthocyanin có lợi và hệ vi sinh vật đường ruột.
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy, dâu tây làm tăng lượng vi khuẩn có lợi và giảm lượng vi khuẩn có hại. Cùng với hoạt động chống viêm, tác dụng có lợi của dâu tây đối với vi khuẩn đường ruột có thể giúp duy trì sức khỏe đại tràng.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên chuột tại Đại học Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ) cho thấy rằng, bổ sung dâu tây trong chế độ ăn uống có thể giúp điều trị bệnh viêm ruột bằng cách ngăn chặn các triệu chứng như sút cân và tiêu chảy ra máu.
Cách ăn dâu tây an toàn
Để ăn dâu tây an toàn và thu được hiệu quả dinh dưỡng tối đa, bạn nên chọn những quả dâu tây tươi, kích thước trung bình, có màu đỏ đậm hoặc đỏ tươi, sáng bóng không có vết dập. Chọn loại dâu được trồng theo tiêu chuẩn và nên sử dụng trong thời gian ngắn nhất sau khi thu hoạch.
Bạn cũng có thể bảo quản dâu tây trong tủ lạnh bằng cách cho vào túi giấy và bảo quản trong ngăn mát. Khi ăn nên rửa sạch bằng nước, nên ăn ngay, không cất giữ lâu sau khi rửa sau vì có thể phát sinh nấm mốc.
Dâu tây rất dễ ăn, bạn có thể ăn trực tiếp dâu tây tươi hoặc cắt lát trộn với ngũ cốc, yến mạch hoặc sữa chua, xay sinh tố, trộn với rau hoặc làm mứt, thạch dâu tây. Tuy nhiên không nên thêm quá nhiều đường.
Xem thêm video đang được quan tâm
5 loại trái cây gây tăng cân nhanh hơn thịt mỡ