Không chỉ “thuốc nhà tôi 3 đời”, các loại thuốc nam ở chợ quê cũng là nỗi ám ảnh của bác sĩ

01-04-2021 20:50 | Tin nóng y tế

SKĐS - Một em bé mới 3 tháng tuổi được người nhà hớt hải đưa vào bệnh viện trong hơi thở thoi thóp. Tiếp đó là chuỗi ngày cam go giành giật sự sống giữa cơ man máy thở, lọc máu liên tục….

Chứng kiến cảnh tượng đó thực sự khiến những thầy thuốc áo trắng không khỏi xót xa, vừa thương vừa giận cho sự bồng bột của bố mẹ nỡ nào mua thuốc ở chợ quê về cho con uống…

Câu chuyện bi thương mà ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ gặp trên đây không phải là hiếm. Vị bác sĩ này nhớ lại, em bé vào viện vì sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng do cháu bị viêm phổi, nhiễm khuẩn tiêu hóa nhưng gia đình không cho đi khám mà tự ý mua thuốc nam bày bán ngoài chợ về dùng. Đến khi cháu khó thở, thoi thóp rồi mới đến viện. Cháu bé sau đó phải hồi sức tích cực, lọc máu liên tục 7 ngày sau mới thoát khỏi hiểm nghèo.

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bệnh nhi vào viện muộn, gặp biến chứng sau khi đã dùng thuốc nam ở khắp nơi, trong khi lẽ ra những trẻ đó điều trị dễ dàng nếu đi khám sớm. Liên tục gặp những ca bệnh như thế này khiến BS. Hưng phải thốt lên rằng: "Ôi cuộc đời nếu như có chữ "giá như". Giá như bé được gia đình quan tâm đúng cách, giá như bé được khám ngay khi có biểu hiện bất thường, giá như bé được chỉ định thuốc đúng phác đồ, đúng bệnh...

Vậy thì sẽ không có những bé phải ra đi mãi mãi, không có những bé dù qua được cơn hiểm nghèo nhưng thể chất bị suy giảm, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bé, và cũng không tốn kém tiền của, vật chất thậm chí cả gia tài để cứu bé trẻ lại với cuộc sống này. Thật xót xa, giá như điều đó không xảy ra...".

Chăm sóc cho bệnh nhi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

"Thần dược" thuốc cam làm trẻ "ngáo ngơ"

Cũng theo BS. Hưng, tình trạng ngộ độc thuốc nam ở trẻ chủ yếu là các loại thuốc lá, thân, rễ của những loại cây không rõ là loại gì, được người ta sao phơi, sấy tẩm rồi đóng gói, bày bán ở các chợ quê đặc biệt ở vùng miền núi, vùng cao.

Với các công dụng được quảng cáo hạ sốt, thanh nhiệt, giải độc, chữa các bệnh ngoài da, tiêu viêm, long đờm cho trẻ. Đặc biệt nguy hiểm nhất là thuốc cam được bán khá phổ biến ở các chợ quê và nhà các thầy lang, được các mẹ và ông bà rất tin dùng để chữa bệnh tiêu chảy nhiều có đỏ rát hậu môn; các trường hợp trẻ viêm loét miệng vì được truyền miệng từ lâu đời loại này rất hiệu quả...

Ngộ độc chì có trong thuốc cam ảnh hưởng đến trí tuệ và phát triển thể chất của trẻ trong suốt cuộc đời còn lại. Nặng sẽ biến đứa trẻ bình thường thành thiểu năng trí tuê, suy dinh dưỡng, còi cọc, gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chuyên gia hồi sức tích cực - chống độc nhấn mạnh: "Thuốc cam rất nguy hiểm vì trong thành phần của nó hồng đơn, một loại khoáng thạch chứa hàm lượng chì rất cao mà ngay cả các lang y cũng không biết. Đây là nguyên nhân gây nên nhiều trường hợp ngộ độc chì rất nặng, đặc biệt ở trẻ em, khi dùng các thuốc cam dạng bột hoặc viên có màu đỏ, vàng cam.

Ngoài ra, cũng có sốt ít trường hợp ngộ độc thuốc nam do gia đình tự ý lấy các loại cây lá đun sắc cho trẻ uống vì kinh nghiệm cha ông truyền lại có tác dụng hạ sốt, kích thích ăn ngon, tăng cân… Tuy nhiên bệnh chưa giảm thì đã phải vào viện cấp cứu.

BS. Cao Việt Hưng cảnh báo: "Ngộ độc chì có trong thuốc cam ảnh hưởng đến trí tuệ và phát triển thể chất của trẻ trong suốt cuộc đời còn lại". 

Tin theo "lang băm", coi chừng đánh đổi bằng cả sinh mạng

Có một thực tế rất khó lý giải và cũng cần phải thắng thắn nhìn nhận là vì sao người dân khi được bác sĩ kê đơn thì không tuân thủ điều trị nhưng lại rất dễ tin theo những quảng cáo, mách bảo dẫn dắt như "nhà tôi 3 đời bán thuốc nam"; "từ Nam ra Bắc đều tìm đến nhà tôi chữa bệnh tiểu đường, vô sinh, hiếm muộn...".

Theo BS. Hưng, ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, một bộ phận người có hiểu biết, nhưng vẫn dùng thuốc nam. Lý do là họ mắc những bệnh mạn tính, dù đã được các bác sĩ giải thích là bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm, mà phải phụ thuộc thuốc suốt đời (như các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống…). Tuy nhiên họ không tin và vẫn muốn thử cơ hội với thuốc nam và tin vào những lời quảng cáo. Thật không may lại gặp những loại thuốc gây ngộ độc rất nặng, thậm chí mất đi tính mạng.

Thứ 2, những người dân sống ở những nơi miền núi xa xôi, dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn hết sức khó khăn, không thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế hiện đại. Vì vậy nên con ốm họ thường đến nhờ cậy các "thầy lang" và tự mua các thuốc ở chợ dùng.

Trường này họ rất khốn khó, khi họ đến với các bác sĩ thậm chí không có gì để ăn. Chính bản thân các y bác sĩ đã phải quyên góp và cũng kêu gọi rất nhiều những tấm lòng nhân ái để cứu giúp các bé.

 Hội chứng thận hư tái phát nặng nề ở bé trai 7 tuổi do uống thuốc nam. Các bác sĩ cho biết: "Nếu gia đình tuân thủ phác đồ điều trị của Bệnh viện, cho trẻ uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đúng giờ, cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn cho trẻ là rất cao. Việc gia đình tự cho bé uống thuốc nam dẫn đến tình trạng kháng thuốc, điều trị rất khó khăn ở giai đoạn tái phát".

Từ thực tế đó, BS. Hưng khuyến cáo người dân rằng: Ngày nay y học đã rất hiện đại trong chẩn đoán và điều trị. Nếu trẻ có bất thường nên khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

"Thuốc nam không phải là không tốt, có những tinh chất rất quý hiếm để chữa bệnh được chiết xuất từ những thảo mộc, được loải bỏ các độc chất và có quy trình kiểm định gắt gao để thành thuốc chữa bệnh.
Thuốc nam chỉ không tốt khi ta không biết nguồn gốc, không được bào chế đúng cách, chữa không đúng bệnh. Đặc biệt bốc thuốc nam theo kiểu cha truyền con nối, thì chuyện nhầm cây có độc tính là chuyện bình thường. Mong muốn của tôi là các bậc cha mẹ hãy thật sáng suốt khi sử dụng thuốc cho con, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra" - BS. Hưng chia sẻ.

>> Xem thêm: Chủ tịch Hội Đông y VN sửng sốt với các quảng cáo “nhà tôi 3 đời…”

Lại thêm cụ bà cấp cứu vì tin theo đông y truyền miệng

Nóng: Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng loạn "thần y" tự xưng trên mạng xã hội

Ngăn cản chữa bệnh theo "nhà tôi 3 đời", bố mẹ mắng con cái "vô tâm, tiếc tiền"

“Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh…” dưới góc nhìn bác sĩ

Tin theo quảng cáo "Nhà tôi 3 đời bán thuốc nam", nhiều người suy gan, thận

Dương Hải
Ý kiến của bạn